TTO - Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết hiện nay ngoài bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… có khá đông trẻ đến khám do sốt siêu vi (vi rút).
- Sốt siêu vi ở trẻ em
- Tin vui cho trẻ em bệnh tim đồng bằng sông Cửu Long
- Nghiên cứu đột phá ở Anh về viêm gan bí ẩn: Trẻ em bệnh nặng vì nhiễm cùng lúc 2 virus
Bác sĩ khám bệnh cho trẻ em có triệu chứng sốt tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Ngày 7-9, theo ghi nhận tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ được đưa đến khám do nguyên nhân sốt chiếm hầu hết các loại bệnh. Sau khi khám, xét nghiệm phân loại bệnh, chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay có trên 900 bệnh nhi đến khám do sốt siêu vi, tăng cao so với thời điểm cùng kỳ 2021.
Theo bác sĩ Trương Cẩm Trinh - trưởng khoa khám bệnh 1, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, thông thường sốt siêu vi đa số lành tính và có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, để phân biệt trẻ sốt do nguyên nhân gì và điều trị đúng, phụ huynh không nên tự mua thuốc uống hay điều trị tại nhà. Cần phải đưa trẻ đi khám, làm các xét nghiệm cần thiết và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguyên nhân sốt siêu vi thường gặp ở trẻ là sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện, vi rút gây bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và có khả năng bùng phát thành dịch. Trẻ có thể bị sốt vi rút lặp đi lặp lại nhiều lần, do hiện y học ghi nhận có khoảng 200 loại vi rút khác nhau.
Triệu chứng dễ nhận biết nhất ở trẻ sốt do vi rút là sốt cao, có thể trên 39-41 0 C. Trẻ thường sốt 3-5 ngày từ khi phát bệnh và sẽ giảm dần. Lúc này trẻ thường mệt mỏi, ít đáp ứng các loại thuốc hạ sốt thông thường. Bên cạnh đó, trẻ bị đau cơ bắp, đau toàn thân và đau đầu... Một vài trường hợp trẻ có kèm theo rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, chất nhầy. Sau đó có thể ho, chảy nước mũi, hắt hơi…
"Đặc biệt so với các bệnh lý đường hô hấp do vi khuẩn, trẻ cần điều trị bằng kháng sinh, còn sốt vi rút trẻ có thể khỏi mà không cần đến kháng sinh. Vì vậy, chúng ta cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám, để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp" - bác sĩ Trinh lưu ý.
Thông thường sau khi được khám phân loại, điều trị tại nhà, khi trẻ bị sốt nhẹ, gia đình có thể chườm nước, lau mát hạ nhiệt, cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp trẻ sốt cao hoặc có tiền sử co giật, phụ huynh có thể dùng thuốc đặt hậu môn hạ sốt, lau người bằng nước ấm trong 30 phút. Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu như súp, nước hoa quả, cháo...
Cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu: sốt cao liên tục trên 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt; ngủ nhiều, li bì, lơ mơ, đau đầu; dấu hiệu sốt co giật; buồn nôn, nôn khan…
Để phòng bệnh, cần tăng cường đề kháng, vệ sinh mũi họng… cho trẻ. Đối với các loại bệnh do vi rút gây ra đã có vắc xin phòng ngừa như viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - Rubella... Nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh và tạo độ miễn dịch tốt nhất.
Không muỗi, không lăng quăng = không sốt xuất huyết!
TTO - Hằng năm có gần 800.000 người trên toàn cầu tử vong do các căn bệnh truyền từ muỗi.
T. LŨY