Trang Chủ > Sức khỏe > Trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản có chữa khỏi hoàn toàn?

Trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản có chữa khỏi hoàn toàn?

VnExpress
08/09/2022 11:20:44

Lúc sơ sinh bé bị viêm phổi lần một, kèm khó thở, rút lõm ngực. (Phương Vy, 36 tuổi, Đồng Nai).

Trả lời:

Trẻ sinh ra viêm phổi là một yếu tố nguy cơ cần lưu ý. Đây là bệnh nhiễm trùng sẽ chữa khỏi hoàn toàn nhưng người mắc, đặc biệt trẻ nhỏ không nên chủ quan. Bởi lẽ bệnh thường gặp, một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em.

Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở nhóm trẻ nhỏ từ 0-5 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), viêm phổi là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 2 triệu trẻ mỗi năm trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới, với khoảng 2,9 triệu trẻ mắc viêm phổi, trong đó có 4.000 bé tử vong mỗi năm.

Bệnh rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, có thể gây biến chứng tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, kháng kháng sinh, còi xương kém phát triển. Do đó, khi bé có tình trạng viêm phổi liên tiếp, phụ huynh cần đưa bé đến để gặp bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, chuyên gia sẽ kê thuốc điều trị viêm phổi ở trẻ em phù hợp. Nếu bệnh do virus gây ra, bé không cần phải uống kháng sinh. Nếu bệnh do vi khuẩn gây nên, trẻ cần điều trị bằng kháng sinh.

Trẻ có tiền căn viêm phổi nhiều lần ngoài điều trị tích cực bằng phác đồ kháng sinh phù hợp cần tầm soát nhiều vấn đề khác như: bé có suy giảm miễn dịch không, bệnh lý mạn tính, suy dinh dưỡng, thể chất, cân nặng, các mốc phát triển vận động... Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn để can thiệp, hạn chế tối đa việc trẻ mắc viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần.

Khi điều trị viêm phổi cho bệnh nhi, bác sĩ gặp nhiều trường hợp viêm phổi tái đi tái lại do tình trạng suy giảm miễn dịch, hen suyễn, viêm cơ địa dị ứng, những bệnh lý nhóm dị ứng bao phủ bên ngoài viêm phổi. Để phòng ngừa bệnh tấn công, phụ huynh có thể cho trẻ tiêm vaccine.

Viêm phổi có rất nhiều tác nhân như siêu vi trùng, vi trùng, những tác nhân hiếm gặp khác như lao nấm. Vaccine phòng ngừa một số nhóm vi khuẩn, siêu vi gây viêm phổi. Phụ huynh có thể đưa bé đi tiêm sau khi đã ổn định viêm phổi. Các vaccine chủ động phòng bệnh hô hấp có thể kể đến như cúm, phế cầu Prevnar 13, 6 trong 1 để phòng viêm phổi do Hib... Ngoài ra, những tác nhân do siêu vi có thể dẫn đến viêm phổi như cúm, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella.

Ngoài vaccine, mỗi người có thể phòng ngừa bằng dinh dưỡng: ăn đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, ngủ đủ, vận động vừa sức theo tuổi để nâng cao sức đề kháng cho em bé. Ngoài ra, phụ huynh cần giữ vệ sinh, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Gia đình cần cách ly bé với người bị bệnh truyền nhiễm để tránh lây lan thành dịch. Nơi ở của trẻ phải đủ ánh sáng, thoáng mát, không khí lưu thông tốt. Phụ huynh chăm con vào mùa nóng cần sử dụng quạt, điều hòa đúng cách.

Trong quá trình chăm sóc bé, phụ huynh cần quan tâm dấu hiệu bệnh đường hô hấp như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở... các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân... Người lớn cần cho trẻ đi bệnh viện kiểm tra ngay nếu sốt cao trên 38,5 độ, khó thở, thở khò khè, có lõm ngực, thở rít, không ăn uống được hay co giật, li bì...

Để được tư vấn kỹ hơn, bạn gửi thêm thông tin quá trình sinh của bé: trong quá trình sinh mẹ có nhiễm trùng ối, hay sốt nhiễm trùng không.. Em bé chào đời đủ tháng hay non tháng, trẻ sinh thường hay sinh mổ... Bởi lẽ bé viêm phổi sơ sinh có liên quan đến tác nhân đặc biệt phụ thuộc vào cách sinh, tuổi thai khi chào đời. Khi có đầy đủ thông tin, bác sĩ sẽ tư vấn cá thể hóa.

ThS.BS CKI Trần Thị Mai Trinh
Bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM