Tranh thủ ngày nghỉ, chị Hoàng Thị Nhung (38 tuổi, quận Gò Vấp) rà soát lại sổ tiêm chủng cho con trai 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1.
- VNVC nỗ lực cung ứng vắc xin cho người dân phòng bệnh
- Thủ tướng chứng kiến lễ ký VNVC mua thêm 25 triệu liều vắc xin AstraZeneca
- Chính phủ đồng ý mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ VNVC
Phụ huynh đưa con đến VNVC tiêm vắc xin viêm màng não do não mô cầu - Ảnh: H.N.
Phát hiện bác sĩ có hẹn tiêm mũi vắc xin viêm não Nhật Bản sau 3 năm nhưng bản thân đã quên đưa con đi tiêm nhắc lại, chị Nhung vội đưa con đến VNVC để tiêm. "Tại đây, ngoài việc được tiêm nhắc mũi này, chúng tôi còn được bác sĩ tư vấn cho con tiêm thêm vắc xin cúm vì đây là bệnh truyền nhiễm hay gặp trong môi trường học đường", chị Nhung cho biết.
Các loại vắc xin cần tiêm nhắc lại
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản là một trong những loại vắc xin mà phụ huynh thường hay quên mũi nhắc lại như trường hợp chị Nhung nêu trên.
Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ từ 12 tháng tuổi sẽ được tiêm 3 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản. Mũi 1 khi trẻ 12 tháng, mũi 2 sau mũi 1 khoảng 2 tuần giúp tăng hiệu lực bảo vệ lên 80%. Mũi 3 sau mũi 2 khoảng 1 năm, giúp tăng hiệu lực bảo vệ lên 95%. Sau đó mỗi 3 năm, phải tiêm nhắc một lần cho đến năm 15 tuổi.
"Nhiều phụ huynh bỏ quên liều vắc xin nhắc lại vì nghĩ đã tiêm đủ 3 mũi. Tuy nhiên, với vắc xin viêm não Nhật Bản, đây chỉ là 3 mũi cơ bản. Một số trường hợp do không tiêm liều nhắc lại mỗi 3 năm, trẻ vẫn mắc bệnh viêm não Nhật Bản, phải nhập viện điều trị và sau đó phải gánh chịu các di chứng về thần kinh, vận động", bác sĩ Chính phân tích.
Cũng theo bác sĩ Chính, kháng thể tạo ra sau khi tiêm các liều vắc xin cơ bản chỉ có tác dụng bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định.
Bác sĩ Chính khuyến cáo, khi trẻ 4-6 tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm nhắc vắc xin viêm não Nhật Bản; tiêm đầy đủ các vắc xin quan trọng như ho gà - bạch hầu - uốn ván, sởi - quai bị - rubella, vắc xin viêm màng não do não mô cầu, cúm, phế cầu...
"Trẻ 11-16 tuổi cần tiêm thêm vắc xin thương hàn, viêm gan A+B, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV…", bác sĩ Chính bổ sung thêm.
Nguy cơ gia tăng các bệnh hô hấp sau khi trẻ nhập học
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - cho biết, ở thời điểm hiện tại, số lượng trẻ nhập viện điều trị nội trú chủ yếu do bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, khoa Nhi vẫn tiếp nhận những trường hợp trẻ bị viêm phổi, viêm màng não… đòi hỏi phải được điều trị sớm, phòng ngừa các biến chứng nặng có thể xảy ra.
"Khi trẻ đi học trở lại, các bệnh truyền nhiễm có khả năng còn tăng cao hơn nữa, đặc biệt là bệnh hô hấp và bệnh về đường tiêu hóa", bác sĩ Thoa nhận định.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cũng nhận định, trong mùa hè vừa qua, nhiều dịch bệnh đã bắt đầu gia tăng như cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Khi trẻ quay lại trường học, sinh hoạt chung, vui chơi với bạn bè, nguy cơ cao sẽ xảy ra dịch bệnh, nhất là bệnh hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm phế quản…
Phụ huynh nên chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong môi trường học đường khi trẻ đi học trở lại - Ảnh: H.N.
Theo bác sĩ Chính, khi COVID-19 gia tăng, nguy cơ nhiễm cùng lúc COVID-19 và cúm có thể xảy ra.
"Nghiên cứu tại Anh cho thấy những người mắc cả hai bệnh cùng lúc nguy hiểm hơn người chỉ mắc COVID-19. Ngoài ra, trẻ dưới 5 tuổi mắc cúm có thể nhanh chóng diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp hoặc khởi phát các bệnh mạn tính như hen suyễn, thuyên tắc phổi mạn tính - COPD, khiến trẻ phải nghỉ học và điều trị dài ngày. Ở thể ác tính, bệnh cúm gây viêm não, viêm cơ tim, viêm khớp…", bác sĩ Chính phân tích.
Ngoài bệnh cúm, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), có khoảng 20-60% trẻ đang ở độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn xâm lấn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… Phế cầu khuẩn là vi khuẩn phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
M.K