TTO - Bánh nướng, bánh dẻo là món bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu, thế nhưng đây là món ăn giàu năng lượng, vì vậy khi ăn cần phải lưu ý. Đặc biệt với những người bị đái tháo đường, thừa cân, béo phì.
- 18 trẻ tử vong do sốt xuất huyết, trên 70% là trẻ thừa cân, béo phì
- 5 lý do trẻ béo phì bị sốt xuất huyết dễ chuyển nặng
- Cẩn trọng với nguy cơ hoại tử toàn bàn chân ở người bệnh đái tháo đường
Bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết thành phần chính của bánh trung thu gồm bột mì, bơ, đường, nhân bánh (tùy loại)... Với loại bánh dẻo, bánh nướng vị truyền thống (150-200 gam), năng lượng sẽ dao động trên dưới 600 kcal/chiếc.
"Một chiếc bánh trung thu khoảng 170 gam có năng lượng gấp hơn 2 lần tô bún mọc và gấp 1,5 lần so với một tô phở", bà Lâm nói.
Theo bà Lâm, với người có bệnh đái tháo đường, thừa cân, béo phì nếu muốn ăn bánh nướng, bánh dẻo nên lựa chọn loại dành cho người đái tháo đường, người ăn kiêng. Tuy nhiên, kể cả những loại bánh trung thu không đường, bánh dành cho người ăn kiêng cũng gây hại nếu như ăn quá nhiều. Vậy nên, ăn bánh trung thu chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ và không nên ăn thường xuyên.
Bà Lâm nói thêm để ăn bánh không lo ngại tăng cân, nên cắt nhỏ bánh, chỉ nên ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc 1/4 (200 kcal của miếng bánh) tương đương với một bữa ăn sáng. Và khi đã ăn bánh trung thu nên giảm các thực phẩm khác, đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng như: cơm, bánh mì, bún, phở...
Ngoài ra, để giảm năng lượng trong bánh trung thu, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên loại bỏ mỡ do 1 gam chất béo cung cấp 9 kcal, ăn bánh càng có nhiều mỡ tổng năng lượng sẽ tăng.
DƯƠNG LIỄU