Ảnh minh họa: Internet.
Lưu ý nguyên nhân gây ra sốt của trẻ
Trong buổi tư vấn mới đây về vấn đề sốt co giật ở trẻ, BSCK2 Dư Minh Trí, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) cho biết: Bình thường nhiệt độ của con người được ổn định ở mức 37 độ. Khi cơ thể trẻ nóng hơn vì một lí do nào đó, thường là do bị bệnh. Nhiệt độ sốt là khi chúng ta đo thân nhiệt của trẻ trên 38 độ. Đối với trẻ em, khi cơ thể sốt cao (thường trên 39 độ) có thể bị co giật.
Nhìn chung sốt co giật là lành tính, tuy nhiên cần lưu ý về nguyên nhân gây ra tình trạng sốt của trẻ. Tại vì khi một trẻ bị sốt, có thể là do những bệnh lý của não, ví dụ em bé bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương… Nếu chúng ta chỉ nghĩ co giật là do sốt cao kích ứng thì sẽ bỏ qua cơ hội điều trị cho trẻ.
Tình trạng co giật do sốt được chỉ ra qua các biểu hiện như: Về mặt độ tuổi, thường là trẻ từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi. Nếu một trẻ lớn tầm 10 tuổi mà sốt co giật thì có thể là do nguyên nhân khác chứ không phải sốt co giật bình thường. Hoặc một trẻ sơ sinh mới có mấy ngày tuổi mà sốt co giật thì cũng phải đi tìm nguyên nhân.
Thứ hai, sốt co giật biểu hiện toàn thân. Nếu trẻ sốt mà chỉ giật 1 tay thôi, hoặc cái miệng méo 1 bên thì có thể do một nguyên nhân nào khác nữa.
Thứ ba, sốt co giật diễn tiến trong một thời gian rất ngắn, ít khi nào co giật quá 5 phút. Nếu thời gian co giật dài thì cũng cần tìm hiểu.
Biểu hiện nữa là sau cơn co giật trẻ thường rất tỉnh táo chứ không li bì… Nếu một trẻ bị co giật do sốt xong mà đi khám thấy trẻ gần như không tiếp xúc, kích thích đau không đáp ứng… thì coi chừng sốt co giật này là do nguyên nhân nào đó nguy hiểm.
BS Dư Minh Trí chia sẻ: Về mặt lý thuyết thì sốt co giật không có liên quan đến động kinh. Có nghĩa là một trẻ bình thường không có bệnh lý nền động kinh, khi bị sốt cao trên 39 độ, trẻ vẫn có nguy cơ bị co giật. Tuy nhiên, thực tế, đối với những trẻ có phương hướng co giật thường xuyên, đặc biệt những trẻ mà co giật khi sốt không quá cao, chỉ tầm 39 độ, thậm chí chưa đến thì chúng ta nên để ý phải chăng trẻ có bệnh lý nền động kinh? Tại vì, mắc bệnh này, khi tình trạng sốt xuất hiện sẽ là yếu tố khởi phát cơn động kinh. Nếu như trẻ bị co giật quá nhiều lần, và đặc biệt co giật ở nhiệt độ không quá cao thì phụ huynh nên để ý, thăm khám xem trẻ có nguy cơ bị động kinh hay không?
Bình tĩnh để xử trí an toàn
Vẫn theo BSCK2 Dư Minh Trí: Xử lý sốt co giật cho trẻ không quá phức tạp. Bởi vì, nếu đúng tình trạng co giật do sốt gây ra thì lành tính, không để lại di chứng gì cho em bé. Đặc biệt, nó diễn ra rất nhanh. Việc chúng ta xử trí là để giúp cho trẻ được an toàn trong giai đoạn đang bị giật.
Khi trẻ bị co giật, việc đầu tiên là phải bảo vệ vùng đầu, cổ. Chúng ta chỉ cần cho trẻ thứ gì rất mềm, êm, ví dụ cái gối hay gấp cái áo lại kê dưới vùng đầu để bảo vệ vùng đầu cổ trẻ không bị va đập.
Thứ hai, khi trẻ co giật, đường hô hấp sẽ rất khó kiểm soát được đờm dãi, nên phải phòng ngừa tình trạng trẻ hít đờm dãi vào đường hô hấp. Cần cho trẻ nằm nghiêng sang 1 bên, thường là nghiêng bên trái để cho đờm dãi chảy ra, không bị hít sặc vào bên trong.
Khi co giật, môi trẻ sẽ tái. Lúc đó trẻ cần ô xy chứ không cần những người xung quanh đứng động viên, lo lắng. Chúng ta nên cho trẻ không gian thoáng để trẻ có đầy đủ dưỡng khí, chỉ cần 1-2 người hỗ trợ trẻ trong giai đoạn này.
Điều thứ tư, chúng ta sẽ cố gắng trong tình trạng giật ưu tiên bảo vệ đường hô hấp với vùng đầu cho trẻ, nhưng khi tình trạng giật đã đỡ rồi thì phải hạ sốt nhanh chóng cho trẻ. Thông thường giai đoạn này nên hạ sốt bằng thuốc nhét hậu môn. Khi tình trạng thân nhiệt hạ thì cơn giật sẽ không nối tiếp.
Một điều nữa các bác sĩ lưu ý là cần phải bình tĩnh, quan sát đặc tính giật của trẻ. Co giật do sốt có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau. Chúng ta cần quan sát triệu chứng của trẻ trước, trong và sau khi co giật. Bác sĩ thường sẽ hỏi, trước khi co giật trẻ có biểu hiện gì đăc biệt? Đặc tính giật như thế nào? Bị giật toàn thân hay chỉ giật khu trú một vùng tay, vùng chân? Rồi sau khi giật có tỉnh táo hay không?... Nếu phụ huynh kể được các dấu hiệu đó thì bác sĩ sẽ dễ chẩn đoán hơn. Còn nếu phụ huynh không nhớ gì thì bác sĩ bắt buộc phải theo dói con rất kỹ.