Trang Chủ > Sức khỏe > Cách cải thiện chán ăn ở người ung thư phổi

Cách cải thiện chán ăn ở người ung thư phổi

VnExpress
25/08/2022 08:08:13

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, chán ăn là vấn đề phổ biến ở người bệnh ung thư phổi, nhất là loại ung thư phổi tế bào không nhỏ di căn. Chán ăn khiến người bệnh ăn ít hơn bình thường hoặc không ăn gì, dẫn đến giảm cân, mệt mỏi, mất cơ và suy dinh dưỡng. Không duy trì đủ dinh dưỡng gây trở ngại cho việc điều trị ung thư.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh duy trì mức năng lượng, cân nặng và giảm nguy cơ nhiễm trùng, giúp ích cho quá trình điều trị. Để cải thiện sự chán ăn và đảm bảo dinh dưỡng, bệnh nhân ung thư phổi có thể áp dụng một số cách sau:

Chia nhỏ bữa ăn: Bạn nên ăn từ 6-8 bữa thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày. Ăn những món yêu thích bất cứ khi nào cảm thấy đói. Nhưng cố gắng chọn các loại thực phẩm lành mạnh chứa nhiều calo và protein, ví dụ như bánh pudding, kem, sữa chua, trứng luộc, bơ đậu phộng và súp làm từ kem.

Cắt nhỏ thức ăn: Bệnh nhân nên cắt nhỏ thức ăn để dễ nhai và nuốt, tránh ăn vặt đồ khô, thức ăn thô nếu bị khô miệng hoặc khó nuốt. Nhai kẹo cao su hoặc ngậm đá viên, kẹo cứng để cải thiện khô miệng cũng là gợi ý.

Cách cải thiện chán ăn ở người ung thư phổi-1

Chán ăn có thể do bệnh ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị. Ảnh: Freepik

Tìm hứng thú trong ăn uống: Đừng ngại thử những món ăn mới, vì bạn có thể cảm thấy thích thú, không còn cảm giác chán ăn và có thể tạo nên điều khác biệt. Làm cho bữa ăn trở nên thú vị hơn bằng cách nghe một bản nhạc yêu thích hoặc ăn cùng một người bạn.

Thêm hương vị: Thêm gia vị hoặc hương liệu để món ăn thêm hấp dẫn. Người bệnh có thể sử dụng các chất bổ sung có hương vị được thiết kế để tăng cường dinh dưỡng. Dùng thức ăn nguội hoặc ở nhiệt độ phòng, tránh đồ ăn nóng nếu bạn nhạy cảm với vị giác, khứu giác. Uống nước giữa các bữa ăn thay vì trong lúc bữa giúp tránh cảm giác quá no.

Tập luyện: Cố gắng tập thể dục nhẹ, vận động trước bữa ăn một giờ để kích thích sự thèm ăn và duy trì hoạt động nhiều nhất có thể trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, người bệnh không nên hoạt động quá sức, chỉ trong giới hạn cơ thể chịu đựng được.

Dự trữ đồ ăn: Bệnh nhân hoặc người chăm sóc có thể dự trữ đồ ăn nhẹ và thực phẩm giàu tinh bột (bánh mì, mì ống, khoai tây), đồ uống mát, sinh tố... để bổ sung dinh dưỡng khi cần.

Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do bệnh ung thư hoặc tác dụng phụ của điều trị. Trong một số trường hợp, tế bào ung thư có thể tạo ra hormone chống bài niệu khiến thận giữ nước và giảm lượng muối trong cơ thể. Tình trạng này được gọi là hội chứng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp (SIADH) gây chán ăn, có thể kèm yếu cơ, chuột rút, buồn nôn và nôn, bồn chồn, lú lẫn. Nếu không được điều trị, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến co giật hoặc hôn mê.

Các tác dụng phụ của việc điều trị như buồn nôn, khô miệng, lở miệng, khó nhai nuốt gây khó khăn hoặc đau đớn. Mệt mỏi, trầm cảm, khó thở, những thay đổi trong cảm nhận về mùi vị do điều trị đều góp phần khiến bệnh nhân không muốn ăn. Bản thân các loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị cũng tác động đến sự thèm ăn.

Bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ để tìm cách giải quyết. Bác sĩ sẽ đưa ra các cách để giúp bạn có đủ chất dinh dưỡng thiết yếu, đủ năng lượng trong quá trình điều trị ung thư . Bác sĩ có thể kê các loại thuốc giúp kích thích sự thèm ăn và giải quyết vấn đề giảm cân, thiếu hụt dinh dưỡng.

Mai Cát
(Theo Everyday Health )