1. Những vấn đề thường gặp ở người bệnh ung thư thực quản
Theo thống kê, 79% bệnh nhân ung thư thực quản bị suy dinh dưỡng và là một trong những nhóm bệnh nhân ung thư có biểu hiện nặng nề nhất về mặt dinh dưỡng.
Thực tế cho thấy ở bệnh nhân ung thư thực quản, rối loạn dinh dưỡng là trạng thái thiếu hoặc kém hấp thu dinh dưỡng dẫn đến thay đổi các chất trong cơ thể (giảm khối lượng chất béo), giảm khối lượng tế bào trong cơ thể, từ đó suy giảm chức năng thể chất và tinh thần.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khối u thực quản cản trở việc tiêu thụ và hấp thu chất dinh dưỡng. Biểu hiện bằng tình trạng nuốt nghẹn. Ban đầu có thể là khó nuốt thức ăn rắn, sau tiến triển đến thức ăn mềm và cuối cùng là chất lỏng và cả nước bọt. Sự tiến triển tăng dần khi khối u ngày càng phát triển và chiếm hết lòng thực quản.
Người bệnh ung thư thực quản thường đối mặt với tình trạng khó nuốt.
Hội chứng suy mòn là một hội chứng chuyển hóa phức tạp liên quan đến bệnh tật và đặc trưng bởi mất khối lượng cơ và có hoặc không giảm mỡ, tốc độ trao đổi chất tăng lên trong khi khối lượng ăn vào giảm dẫn đến tình trạng suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây là tình trạng tiến triển sau nuốt nghẹn và chán ăn.
Cũng như các ung thư khác, bệnh nhân ung thư thực quản cũng sẽ bị sụt cân. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tiên lượng bệnh mà còn liên quan tới giảm hoạt động chức năng và giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới liệu trình điều trị. Sụt cân trong khi xạ trị vùng đầu cổ có thể làm mất tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp này. Trong hóa trị, sụt cân còn cản trở người bệnh không nhận được liều điều trị tối ưu.
Với bệnh nhân ung thư thực quản sẽ viêm tuyến nhày, cứng hàm, khô miệng, xơ hóa thanh quản dẫn tới thay đổi mùi vị, giảm thèm ăn…, trong đó nuốt khó gặp phải > 90% bệnh nhân ung thư thực quản khiến biểu hiện này trở nên đặc hiệu ở nhóm bệnh nhân này.
Tiêu chảy, nôn và buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp do một số loại hóa chất gây nên. Nếu không kiểm soát tốt, tiêu chảy có thể gây mất dịch, điện giải, suy dinh dưỡng và kéo dài thời gian nằm viện. Tuyến nhày đường ruột và quá trình tiêu hóa thực phẩm cũng bị ảnh hưởng, do đó ảnh hưởng tới sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở các mức độ khác nhau. Do đó làm giảm chuyển hóa năng lượng, protein và vitamin.
2. Người bệnh ung thư thực quản cần được lưu ý những gì?
2.1 Dinh dưỡng
Ở bệnh nhân ung thư thực quản dinh dưỡng là một phần trong chiến lược điều trị. Việc xây dựng liệu pháp dinh dưỡng phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và trạng thái chuyển hóa của từng bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên mục tiêu chính là bệnh nhân giữ được khối lượng cơ, đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh và chức năng các cơ quan trong trạng thái tốt.
Việc đưa ra chiến lược dinh dưỡng cho bệnh nhân phụ thuộc vào từng người bao gồm: triệu chứng nuốt nghẹn, nuốt đau, sụt cân, buồn nôn, nôn… để có chế độ ăn phù hợp, nhằm cải thiện tốt dinh dưỡng góp phần quan trọng vào thành công của chiến lược điều trị bệnh.
Một số hướng dẫn bệnh nhân ung thư thực quan cần chú ý là:
Người bệnh cần thay đổi khẩu phần ăn bằng các thực phẩm mềm dễ nuốt kết hợp với cách chế biến như xay, nghiền, ép.
Cần ăn từng miếng nhỏ và nuốt hoàn toàn trước khi ăn tiếp.
Cần uống nhiều nước mỗi ngày, có thể dùng kèm thêm nước trái cây, súp, sữa, kem và có thể dùng ống hút.
Cần chọn thực phẩm giàu protein và nhiều calo, ngồi thẳng lưng khi ăn.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì chỉ ăn 3 bữa như trước.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
2.2. Luyện tập ở bệnh nhân ung thư thực quản
Ở bệnh nhân ung thư thực quản, việc tập luyện vô cùng quan trọng. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, mỗi cá nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn tập cho phù hợp. Tuy nhiên các bài tập thường được khuyến cáo như: tập thiền, yoga, thả bộ …
Người thân hãy giúp đỡ người bệnh luyện tập thể thao nhẹ nhàng cùng đi dạo với bệnh nhân hàng ngày, cùng chơi một số trò chơi ít có sự vận động rèn luyện trí óc để vượt qua cơn đau đớn. Ngoài ra việc luyện tập thể dục rất tốt để phục hồi và hấp thu năng lượng vào cơ thể một cách tốt hơn.
Người bệnh ung thư thực quản được tập vật lý trị liệu hô hấp như đã luyện tập trước mổ và vận động sớm sau mổ khi có sự đồng ý của bác sĩ. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm sau cắt thực quản như viêm phổi hay tắc mạch.
Khi được xuất viện, người bệnh cần tiếp tục duy trì lịch vận động và tập hít thở mỗi ngày theo khuyến cáo của bác sĩ. Vận động thường xuyên không chỉ giúp bệnh nhân tăng cường thể lực, nhanh chóng phục hồi mà còn luôn duy trì năng lượng tích cực, cảm thấy phấn chấn, yêu đời hơn.
Người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường sau:
Không ăn uống được, người mệt mỏi hoặc cảm thấy tim đập nhanh;
Tiêu chảy hoặc đi ngoài phân đen;
Cảm giác nóng rát ở cổ họng;
Ho dai dẳng; … hoặc những bất thường khác ở cơ thể.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
Do bệnh ung thư thực quản có khả năng tái phát, di căn xa nhanh nên bệnh nhân sau điều trị cần được theo dõi chặt chẽ.
Trong 2 năm đầu, bệnh nhân được hẹn khám mỗi 3 tháng; từ năm thứ 2 là 4 - 6 tháng. Các triệu chứng cần theo dõi gồm: cân nặng, nuốt nghẹn, đau. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu, nội soi, sinh thiết hoặc CT khi cần thiết. Ngoài ra cần theo dõi các tác dụng phụ sau điều trị như: hẹp, rò miệng nối, viêm phổi, viêm trung thất.
Với người bệnh bị ung thư thực quản sẽ đối mặt với tình trạng chán ăn, mệt mỏi, khó nuốt … do vậy, người bệnh cần phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình bởi một tinh thần và tâm lý thoải mái sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn. Bởi việc quá lo lắng, căng thẳng hay sợ hãi thì sẽ chỉ khiến cho bệnh thêm nặng hơn.
Luôn vui vẻ bên người thân yêu đồng thời tin tưởng, lạc quan về cuộc sống là những thứ người bệnh nên làm. Đơn giản thì đây được xem là chìa khóa quan trọng quyết định đến việc kéo dài thời gian sống.
Thực quản là một ống tiêu hóa chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.
Ung thư biểu mô vẩy xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản. Phác đồ điều trị gần giống nhau ở cả hai loại ung thư thực quản.
Khi khối u phát triển ra ngoài thực quản, đầu tiên khối u thường đi đến hệ bạch huyết và cũng có thể xâm lấn ra hầu hết các bộ phận khác của cơ thể bao gồm: gan, phổi, não, xương…
Video bạn có thể quan tâm
Bài tập buổi sáng.