Liên tiếp những ca sốt xuất huyết nặng
Trao đổi với phóng viên Dân trí , bác sĩ Võ Thanh Lâm, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, 3 tháng gần đây, khoa tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Đặc biệt từ giữa tháng 7 đến nay, số ca sốt xuất huyết dao động từ 1/2 đến 1/3 tổng số giường bệnh tại khoa.
Hiện tại, khoa ICU đang điều trị cho 7 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp rất nặng đang phải lọc máu và thở máy, truyền máu liên tục. Những trường hợp còn lại lâm vào sốc nhiều lần, phải hỗ trợ hô hấp tích cực. Ngoài các ca bệnh trên địa bàn TPHCM, mỗi ngày nơi đây cũng tiếp nhận người mắc sốt xuất huyết từ các tỉnh lân cận chuyển đến.
Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Lâm vào bi kịch trước khoản viện phí khổng lồ
Theo bác sĩ Lâm, vì phải sử dụng các kỹ thuật cao, trong thời gian kéo dài nên hầu hết các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đều có viện phí rất lớn, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý, có những trường hợp còn rất trẻ, trước đó khỏe mạnh bình thường nhưng đã lâm vào bi kịch khi đột ngột mắc bệnh.
Như trường hợp của bệnh nhân T.N.T.K. (26 tuổi, quê Đồng Nai), nằm tại khoa ICU đã 3 tuần. Cuối tháng 7, anh K. nhập viện với tình trạng sốt xuất huyết nặng, suy gan, suy thận, tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu.
Quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu, suy hô hấp nặng. Vì phải điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh mạnh và thở máy, lọc máu liên tục, viện phí của bệnh nhân đã lên tới khoảng 300 triệu đồng.
Bệnh nhân là lao động nghèo, không có bảo hiểm y tế. Những ngày qua, người nhà phải bán xe, tìm cách cầm cố nhà cửa để đóng tạm ứng viện phí cho bệnh nhân. Hiện tại, vẫn chưa biết khi nào nam thanh niên được xuất viện.
Bệnh nhân nằm điều trị tại khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Trước đó, một cô gái 19 tuổi, quê Vũng Tàu cũng vào khoa ICU trong tình trạng suy gan, thận, rối loạn đông máu vì sốt xuất huyết nặng. Chỉ sau nửa tháng điều trị, liên tục lọc máu, thay huyết tương và cũng không có bảo hiểm, viện phí của nữ bệnh nhân đã lên đến 400 triệu đồng. Trước tình trạng quá xấu, không thể kham nổi chi phí, gia đình đã xin dừng điều trị, đưa bệnh nhân về.
Người trẻ khỏe cũng có nguy cơ diễn tiến nặng
Theo bác sĩ Lâm, các đối tượng có cơ địa béo phì hay phụ nữ có thai là những người dễ gặp nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết. Cũng có trường hợp bệnh nhân không thuộc diện nêu trên, là người trẻ tuổi, sức khỏe bình thường vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng.
Bệnh sốt xuất huyết nặng sẽ có một số dạng như sốc, tổn thương tạng (như suy gan, thận) hoặc xuất huyết. Vì không thể đoán trước được tình trạng bệnh nhân, nên cần theo dõi sát sức khỏe của người bệnh để đưa ra hướng điều trị cụ thể.
Viện phí của bệnh nhân K. đã lên đến hàng trăm triệu đồng (Ảnh: Hoàng Lê).
"Người mắc sốt xuất huyết không khoanh vùng trong một độ tuổi nào, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh. Trong các ca nặng đang điều trị tại khoa, có 3 trường hợp ở độ tuổi dưới 30" - bác sĩ Lâm thống kê.
Để phòng tránh bệnh, các bác sĩ khuyên người dân cần chủ động vệ sinh nhà cửa và xung quanh nơi mình sinh sống, nhằm loại bỏ nguy cơ muỗi phát triển. Nếu có các dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu nên đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm sốt xuất huyết để phát hiện trong thời gian sớm nhất.
"Sốt xuất huyết diễn tiến nặng thường xuất hiện ở ngày bệnh thứ 4 đến thứ 6. Một số trường hợp có cơ địa đặc biệt, bệnh có thể biến chứng sớm hơn. Những ngày đầu tiên mắc bệnh là thời điểm quan trọng để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời" - bác sĩ phân tích.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước đây, với 17 trường hợp tử vong đã ghi nhận. Dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng nếu các biện pháp phòng bệnh không được triển khai có hiệu quả.
Một số biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
- Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay... ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.
- Tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Trong trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.