Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Quang Vinh
Tỷ lệ bệnh nhân nặng tăng
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho biết, bệnh nhân Covid-19 nặng đang có dấu hiệu gia tăng. Tại các cơ sở điều trị ghi nhận nhiều ca nặng, tử vong do không tiêm vaccine.
Cụ thể, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thông tin, trong hơn 232 bệnh nhân nhập viện tháng 8 có đến 46% bệnh nhân trên 65 tuổi; số bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chiếm 24,3%. Đã có 3 ca tử vong. Hiện tại Bệnh viện đang điều trị 123 ca, trong đó có 26 ca thở máy, 1 ca ECMO….
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày 18/7-17/8/2022 đã có 32 bệnh nhân Covid-19 điều trị, trong đó có 31 ca nhập viện trong tháng 8/2022. Trong số các bệnh nhân này có 19 bệnh nhân mức độ nặng/nguy kịch; tử vong 6 bệnh nhân. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do không tiêm vaccine được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở mức 50%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, bệnh nhân mắc Covid-19 có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh nhân nặng tăng lên rõ rệt trong những ngày đầu tháng 8/2022. Do đó, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh.
Nhiều người buông lỏng phòng dịch
Trái ngược với những cảnh báo của các cơ sở y tế nói riêng và ngành Y nói chung về tình hình Covid-19, đa phần người dân vẫn mang tâm lý khá thờ ơ với dịch bệnh. Trên các tuyến phố, tại nơi công cộng có thể dễ dàng nhận thấy tỷ lệ người dân không đeo khẩu trang ngày càng gia tăng, nước sát khuẩn cũng hầu như biến mất khỏi các địa điểm đông người như quán cafe, siêu thị hay nếu có thì chỉ còn mang tính hình thức vì đa phần người dân không sử dụng. Nguy hiểm hơn, không ít người cho rằng, đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1, 2 và cộng thêm việc từng mắc Covid-19 thì không cần tiêm vaccine mũi 3, 4.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở nước ta được triển khai thành công, hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%. Trong thời gian qua các địa phương đã rất nỗ lực triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho gần 50 triệu người từ 18 tuổi trở lên đạt 75% đối với mũi 3 và triển khai tiêm liều cơ bản vaccine phòng Covid-19 cho 8,7 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine đạt 78%.
“Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn có nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho người lớn vẫn còn rất thấp dưới 60% đối với mũi 3 và mũi 4 có tỉnh mới đạt 40%, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dưới 60% và có nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm chủng mũi nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ở mức dưới 20%”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thông tin về thực trạng trong công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, bên cạnh các địa phương tiêm nhanh, vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Theo thông tin cập nhật về tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế tính đến ngày 21/8, số mũi tiêm thực hiện trong ngày trên cả nước là 144.587 tại 22 tỉnh, thành – con số này giảm cả về số lượng mũi tiêm lẫn địa phương triển khai tiêm so với ngày 20/8. Trong ngày có 134.075 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 10.512 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Tổng số vaccine đã tiêm đến nay ở nước ta là 254.570.355 mũi.
Về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đến nay là 14.635.155, trong đó mũi 1: 8.963.969 trẻ (đạt tỷ lệ 80,3%); tăng 0,2% so với ngày trước đó.
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 62% là: Đà Nẵng (52,3%); Quảng Nam (50,8%); Bình Thuận (61,8%); TPHCM (53,5%); Bình Dương (60,6%).
Mũi 2: 5.671.186 trẻ (đạt tỷ lệ 50,8%); tăng 0,3% so với ngày trước đó; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: dưới 31% là: Đà Nẵng (20,0%); Quảng Nam (17,1%); Khánh Hòa (28,6%); TPHCM (30,8%); Bình Dương (27,3%).
Dịch bệnh còn diễn biến khó lường
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo rằng sự phát triển của các biến thể virus, đặc tính của mỗi biến thể và diễn biến của dịch Covid-19 sẽ rất khó dự báo trong thời gian tới, do tình trạng suy giảm miễn dịch đối với những người đã nhiễm bệnh và sự suy giảm hiệu lực của vaccine trên toàn cầu.
PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo người dân, việc tiêm các mũi vaccine phòng Covid-19 nhắc lại là cần thiết, nhất là trong bối cảnh vaccine vẫn có tác dụng với chủng Omicron vốn đang chiếm ưu thế.
Ông Phu giải thích, đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Trong khi đó, vaccine có miễn dịch không bền vững, thường giảm sau khi tiêm khoảng 4-6 tháng. “Ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, mắc bệnh nền. Điều này không chỉ có ý nghĩa phòng bệnh mà còn hạn chế tử vong, giúp hệ thống y tế không quá tải” - ông Phu nhấn mạnh