TTO - Bộ Nội vụ đề xuất lái xe chở tiền được hưởng chính sách, chế độ như công chức; Bộ Y tế đề xuất thêm hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho cơ sở y tế công... là tin đáng chú ý sáng nay.
- Tin sáng 23-8: TP.HCM bàn phương án đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành
- Tin sáng 22-8: Pacific Airlines, Vietravel Airlines… tìm nhà đầu tư; nhiều nơi mũi 3 chưa đạt 50%
- Tin sáng 21-8: Sổ đỏ có thể ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình; Tiểu bậy, xả rác sẽ bị phạt
Đại biểu HĐND TP.HCM khóa X biểu quyết thông qua nghị quyết tại một kỳ họp - Ảnh: HỮU HẠNH
HĐND TP.HCM sẽ tổ chức giám sát với UBND TP về kết quả đầu tư công
Sáng nay (24-8), HĐND TP.HCM sẽ tổ chức giám sát với UBND TP về kết quả đầu tư công năm 2022. Kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 26% so với mức giải ngân chung của cả nước là hơn 34,4%.
Qua giám sát của HĐND, tính đến nay TP có đến 100 dự án giải ngân bằng 0 và 12 dự án giải ngân dưới 10%. Trong đó có 4 dự án dưới 200 tỉ đồng mới giải ngân đạt khoảng 10%. Trong đó có dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên; dự án xây dựng cơ sở 2 Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch...
Đề xuất lái xe bộ trưởng, xe chở tiền hưởng chính sách như công chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình, báo cáo Chính phủ nội dung dự thảo nghị định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp.
Đáng chú ý, trong dự thảo nghị định có điểm mới được đề xuất bổ sung là quy định không thực hiện ký kết hợp đồng đối với một số vị trí hỗ trợ, phục vụ công tác bảo vệ tại các cơ quan có tính chất đặc biệt như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước;
Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan có tính chất đặc thù như ngân hàng, kho bạc, hải quan, lái xe phục vụ bộ trưởng - tương đương trở lên, lái xe chuyên chở tiền của ngân hàng, kho bạc.
Đối với các vị trí này theo đề xuất sẽ được áp dụng chế độ, chính sách như công chức, khi thôi làm nhiệm vụ chuyển sang ký hợp đồng lao động.
Bộ Y tế đề xuất miễn kê khai giá mua vắc xin COVID-19
Ngày 23-8, Bộ Y tế có văn bản đề xuất Chính phủ về việc miễn kê khai giá với trường hợp mua vắc xin COVID-19 không vì lợi nhuận, nhà sản xuất/cung ứng vắc xin có chính sách bảo mật thông tin về giá.
Bộ Y tế cho biết do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trong nước, thời gian qua Bộ Y tế đã tiếp cận và mua được các nguồn vắc xin chất lượng với giá phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, các nhà cung cấp vắc xin phòng COVID-19 đều yêu cầu Chính phủ (đại diện là Bộ Y tế) ký kết hợp đồng thỏa thuận bảo mật thông tin, trong đó có bảo mật thông tin về giá vắc xin.
Trong khi đó, theo quy định hiện nay đối với thuốc nước ngoài (bao gồm cả vắc xin), thì cơ sở nhập khẩu thuốc phải thực hiện kê khai giá bán buôn dự kiến trước khi đưa lô thuốc đầu tiên lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Vì vậy việc thực hiện việc kê khai giá của các nhà nhập khẩu chưa thực hiện được do vi phạm điều khoản bảo mật thông tin. Để đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin cho người dân hướng tới miễn dịch cộng đồng trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ được miễn áp dụng kê khai giá.
Xử nghiêm các bến thủy không giấy phép
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa "điểm tên" một số bến thủy nội địa chưa được cấp phép hoạt động tại TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ.
Cụ thể, bến Anh Thành (TP Thủ Đức), vị trí ở bờ phải Rạch Chiếc, làm bằng cầu phao, thùng phuy nhựa dài 15m. Tại huyện Cần Giờ là bến Ông Luận, có mục đích khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, còn một số bến đưa khách ngang sông chưa được công bố hoạt động của cơ quan thẩm quyền trên tuyến sông Lòng Tàu.
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị Công an TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các bến thủy nội địa chưa được cấp phép trên. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, tuyệt đối không cho các phương tiện đưa rước hành khách ngang sông chưa công bố hoạt động.
Bộ Y tế đề nghị thêm hai hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc
Theo quy định tại thông tư 15/2019/TT-BYT hiện hành, có 6 hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho cơ sở y tế công, gồm: đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp và tự thực hiện.
Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Hiện do vướng quy định tại ba văn bản, bệnh viện công đang thiếu một số thuốc, thiết bị và vật tư - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 15 đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, bên cạnh 6 hình thức trên, Bộ Y tế đề xuất thêm hai hình thức: lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Trong đó, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được đề xuất áp dụng khi bệnh viện có nhu cầu thuốc phát sinh khi chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, dự toán mua sắm không quá 50 triệu đồng (không được chia nhỏ thành các gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng để áp dụng).
Lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo dự thảo sẽ thực hiện theo điều 37 thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31-5-2022 của Bộ Kế hoạch và đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Hiện tại thông tư 14 (quy định đấu thầu trang thiết bị y tế), 15 (quy định đấu thầu thuốc) và nghị định 98 đang được coi là các điểm nghẽn dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiết bị tại bệnh viện công. Hiện Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đang triển khai sửa các quy định này.
Gần 120 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Hàn Quốc đến Việt Nam xúc tiến thương mại
Gần 120 doanh nghiệp sẽ mang hơn 650 sản phẩm trong các lĩnh vực hóa mỹ phẩm, dược phẩm, công nghệ thông tin, gia dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng… đến dự Ngày hội Doanh nghiệp kết nối giao thương Hàn - Việt (Mega US Expo 2022), dự kiến diễn ra tháng 9-2022.
Chương trình kỳ vọng sẽ có hơn 800 lượt gặp gỡ B2B matching giữa doanh nghiệp Hàn - Việt, tạo ra hàng chục hợp tác giá trị kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, phó cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hàn Quốc hiện là nước đứng số một về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; thứ hai về hợp tác phát triển ODA, lao động và du lịch; thứ ba về thương mại.
Với 9.300 dự án FDI của Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký gần 80 tỷ USD đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Hai nước đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD năm 2023.
Tin sáng 23-8: TP.HCM bàn phương án đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành
TTO - Tin đáng chú ý sáng nay: Quá thời hạn vẫn không có đơn vị nào báo cáo giải ngân đầu tư công; Giá heo ở miền Nam tăng nhẹ, khả năng còn tăng thêm; TP.HCM họp thống nhất phương án đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành...
TUỔI TRẺ ONLINE