Trang Chủ > Sức khỏe > Nhiều bệnh viện 'chưa dám mua sắm' thiết bị y tế

Nhiều bệnh viện 'chưa dám mua sắm' thiết bị y tế

Tuổi Trẻ
25/08/2022 09:48:47

TTO - Việc "dao mổ giá rẻ" gây khó khăn trong điều trị đã được quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận trước hội nghị với Thủ tướng ngày 21-8.

  • Giới chuyên môn nói gì về việc 'dao mổ rẻ rạch 3 lần mới qua da'?
  • Vì sao 'dao mổ rạch 3 lần mới qua da' vào được bệnh viện?
  • Thủ tướng làm việc với ngành y tế: Bệnh viện than mua dao mổ rẻ, rạch 3 lần mới qua da người bệnh

Bà Lan cũng nhìn nhận nếu "rạch 3 lần mới qua da" thì bệnh nhân sẽ đau nhiều hơn, và rất cần thiết phải mua những thiết bị chất lượng để phục vụ khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cho biết đang triển khai sửa thông tư 14/2020 quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Sửa sớm thì sẽ sớm tháo gỡ được những vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải. Bởi theo ý kiến từ nhiều bệnh viện, hiện họ "chưa dám mua sắm gì, vẫn đang chờ vì mua thì chất lượng không tốt mà không mua thì không có vật tư, thiết bị để dùng".

Quyền bộ trưởng Bộ Y tế cam kết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép thuốc, thiết bị y tế... là trọng tâm hoạt động trong thời gian tới đây. Bộ cũng đang lấy ý kiến các bệnh viện để cùng gỡ những vướng mắc trong thông tư 14 để làm sao mua được thiết bị, vật tư giá hợp lý, không phải mua loại rẻ nhất mà chất lượng kém.

Một đại diện Bộ Y tế nhìn nhận: "Không dễ để có quy định vừa đảm bảo kiểm soát giá, vừa đảm bảo chất lượng vật tư và thiết bị, chúng tôi đang cùng bàn cách tháo gỡ và tháo gỡ sớm".

Thực tế thiếu thốn thiết bị vật tư y tế cũng đang xảy ra ở các bệnh viện phía Bắc. Một bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với Tuổi Trẻ về thực trạng: "Bệnh nhân thở máy nào cũng phải hút đờm; nếu không đờm đọng lại ở phổi, viêm phổi tăng, kháng sinh cũng phải tăng, chi phí điều trị tăng, chưa kể hệ lụy là nguy cơ kháng kháng sinh 5 - 10 năm nữa. Nhưng chỗ chúng tôi đã nhận được loại sonde hút có ống hút rất cứng, hút rất khó, chúng tôi đã phải báo lên lãnh đạo bệnh viện để đổi sản phẩm".

Theo thông tin từ bệnh viện, khi đấu thầu loại sonde hút dịch phế quản dùng cho bệnh nhân thở máy, hồi sức hô hấp, trong số các mặt hàng dự thầu loại rẻ nhất là hàng do Trung Quốc sản xuất (160.000 đồng/sản phẩm), cao hơn một chút là hàng do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất giá 220.000 đồng/sản phẩm.

Khi chấm các tiêu chí kỹ thuật thì cả 2 đều đạt, và sản phẩm do Trung Quốc sản xuất trúng thầu. Nhưng khi sử dụng các bác sĩ nhận thấy ống sonde được chọn rất cứng, khó hút dịch, nguy cơ ảnh hưởng đến niêm mạc hô hấp của bệnh nhân và buộc phải đổi hàng.

Theo hướng dẫn trong thông tư 14, các thiết bị, vật tư được phân nhóm dựa trên giấy chứng nhận lưu hành tự do của các "nước tham chiếu" là EU, Mỹ, Nhật, Úc, Canada. Nhìn qua thì quy định này có vẻ có những yêu cầu minh bạch, nhưng nhìn kỹ thì việc xếp các "nước tham chiếu" có trình độ công nghệ, yêu cầu chứng nhận khác xa nhau, nên dễ dẫn đến sản phẩm chất lượng bình thường "trà trộn" vào hàng chất lượng cao, và khi đó hàng chất lượng cao khó có cơ hội trúng thầu do giá cao hơn.

Kết quả là các thiết bị, vật tư của Ấn Độ, Trung Quốc xếp cùng nhóm với hàng Mỹ, Nhật, và Bệnh viện Bạch Mai đã mua loại sonde hút dịch phế quản giá rẻ chất lượng thấp như kể trên.

LAN ANH