Trả lời:
Nếu con bạn bị sốt cao, co giật từ 2 lần trở lên thì có thể là sốt cao co giật đơn thuần, nghĩa là co giật toàn thể, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép, tay chân giật... kéo dài 1-2 phút sẽ hết. Bé chỉ bị giật một lần duy nhất trong ngày. Sau giật, cháu tỉnh táo bình thường. Ngoài ra, bé không có tiền sử viêm màng não, chấn thương sọ não; gia đình không có tiền sử động kinh hay bệnh về não bộ...
Thông thường, nếu bé dưới 6 tuổi thì vẫn có thể bị sốt co giật trong ngày đầu tiên. Lý do vì tế bào não chưa kịp thích nghi với tình trạng sốt đột ngột, dẫn đến việc dẫn truyền chất điện giải ra vào tế bào hơi bị bất thường vùng não bị phóng điện, gây sốt cao co giật. May mắn là tình trạng này không nguy hiểm với bé.
Trước đây, với các trường hợp này, chúng tôi hay cho bé phòng giật. Nhưng hiện tại theo hướng dẫn mới nhất trên thế giới, sốt cao co giật đơn thuần thì không cần phòng đối với những cơn sốt cao chưa đến 4 phút.
Hướng xử lý trong trường hợp trẻ bị sốt cao co giật là mẹ nghiêng bé sang một bên ngay lập tức, vì khi giật có thể tăng tiết nước bọt, dẫn đến nguy cơ sặc nếu nằm ngửa. Mẹ cho bé uống thuốc hạ sốt, đặt thuốc, nhìn đồng hồ để biết thời gian bé bị giật. Phụ huynh bình tĩnh, không đưa tay vào miệng con vì tay người lớn có thể không sạch và lưỡi bé thụt vào trong chứ không lè ra ngoài qua răng. Khi bé sốt, bố mẹ cần tìm cách hạ sốt, theo dõi sát vì bé có thể co giật bất cứ lúc nào.
Bác sĩ không khuyên dùng thuốc chống giật vì về sau có một số bé tiến triển động kinh (với điều kiện là cơn giật kéo dài, gia đình có tiền sử động kinh, còn lại đa số bé tự khỏi sau 6 tuổi). Trong trường hợp bé giật trên 4 phút thì có thuốc chống giật, nhưng chỉ dùng nếu được chỉ định.
Việc uống nước lá tre, nước nhọ nồi có làm giảm sốt hay không thì chưa có cơ sở khoa học để khẳng định điều đó. Thuốc hạ sốt dạng sủi, nhóm thuốc paracetamol là vô hại với trẻ. Những nhóm thuốc aspirin thì chống chỉ định trong sốt xuất huyết.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương
Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội