TTO - Gắn bó với nghề y đã hơn 25 năm nhưng lương chính thức của bác sĩ trưởng Trạm y tế phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) chỉ 6,3 triệu đồng. Với y sĩ, điều dưỡng có biên chế thì dưới 4 triệu đồng, còn điều dưỡng mới vào làm thì chỉ có 2,5 triệu.
- Bác sĩ nghỉ hưu về trạm y tế được trả lương 9 triệu đồng/tháng
- Bị nợ lương suốt 8 tháng, y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh ‘xuống đường’
- Hàng loạt y, bác sĩ xin nghỉ vì bị bệnh viện nợ lương, bệnh nhân mỏi mòn chờ
BS.CKI Trần Thị Phụng - trưởng Trạm y tế phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
"Thật sự có những thời điểm tôi mủi lòng và rất nản”.
Đó là lời chia sẻ của
bác sĩ
duy nhất tại Trạm y tế phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) và đang làm trưởng trạm - chị Trần Thị Phụng - khi nói về thu nhập hiện nay của chị và đồng nghiệp.
Nếu không được đãi ngộ, còn thêm nhiều lá đơn nghỉ việc
Bác sĩ Phụng cho biết h
iện số dân ở phường Hiệp Thành lên đến hơn 109.000 dân nhưng trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ là chị, 3 y sĩ, 4 điều dưỡng, 2 dược sĩ và 1 nữ hộ sinh. Dù lực lượng tại trạm rất ít nhưng đầu công việc lại rất nhiều, các thành viên đều làm không xuể, đặc biệt từ thời điểm trong và sau dịch COVID-19.
“Qua thời gian chống dịch COVID-19 vừa rồi, tôi thấy rất tội cho các bạn. Riêng tôi đã cống hiến ở đây 25 năm nhưng lương chính thức chỉ hơn 6 triệu đồng. Thử hỏi với mức thu nhập này thì chúng tôi phải làm thế nào, trong khi việc ở trạm rất nhiều, làm rất vất vả”, bác sĩ Phụng chia sẻ.
Bác sĩ Phụng cho hay phần lớn những y sĩ, điều dưỡng ở trạm đều than phiền mức thu nhập không đủ sống, đặc biệt với những người có gia đình hay nhà có hai vợ chồng làm việc tại trạm y tế.
Cũng vì một phần lý do này mà các bác sĩ mới ra trường đến trạm thực tập thì không ai ở lại sau khi hoàn thành thời gian thực tập.
Cũng theo bác sĩ Phụng, từ trước đến nay, nhân viên y tế tại trạm dao động, hoang mang nhiều vì gặp khó khăn trong thu nhập.
“Tôi nói thật, chúng tôi gắn bó nghề là vì cái tâm, vì nghĩa tình và có ý thức chung là cố gắng hoàn thành công việc. Chứ với mức lương hiện nay thì không ai hài lòng hết. Thật sự có những thời điểm tôi mủi lòng và rất nản”, chị bộc bạch.
Bác sĩ Phụng khẳng định nếu không có chế độ, chính sách hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế thì chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều lá đơn xin nghỉ việc. Thực tế tại Trạm y tế phường Hiệp Thành đã có hơn 50% y sĩ, điều dưỡng muốn nghỉ việc. “Phải có một chế độ đãi ngộ nào đó để hỗ trợ, khích lệ tinh thần chúng tôi để tiếp tục làm việc”, chị nhấn mạnh.
Công việc độc hại, phụ cấp chẳng thấm tháp vào đâu
Mặc dù với tính chất công việc độc hại, nguy hiểm nhưng hiện nay các nhân viên y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở… làm nhiều năm nhưng mãi băn khoăn với việc đi hay ở.
Về tiền phụ cấp độc hại, nhiều nơi mặc dù có phụ cấp độc hại lên đến 70% nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Uyên - tổ lao Trung tâm Y tế TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết mặc dù đã làm từ 4-5 năm tại đây, nếu tính thêm cả phụ cấp độc hại 70% thì tổng số lương chị nhận được cũng chỉ nhỉnh hơn 6 triệu đồng/tháng.
Trong khi cũng như mọi gia đình, nhà chị cũng chi các khoản mua sữa cho con, tiền nhà, sinh hoạt. Lương không đủ, để kiếm thêm thu nhập, hết giờ làm chị tranh thủ ngồi thêm tại các phòng khám tư.
“Các đồng nghiệp hay bảo nhau rằng tìm kiếm công việc mới, nhưng chẳng hiểu vì sao chúng tôi lại cứ bị cuốn theo bệnh nhân, guồng xoáy công việc đến hiện tại. Muốn gắn bó với nghề nhưng mức lương thấp mình cũng không nói trước được điều gì”, bác sĩ Uyên nói.
Còn bác sĩ Vũ Thị Hạnh - phụ trách chương trình chống lao tại Trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) - cho biết thêm, mặc dù gắn bó với trạm y tế được 5 năm, làm nhiều các chương trình của trạm y tế nhưng hiện nay mức lương của chị, tính luôn cả phụ cấp độc hại cũng chỉ là 8 triệu đồng.
“Mức lương 8 triệu đồng là mới được tăng gần đây, tôi chỉ mong muốn lương cho các nhân viên y tế cao hơn để chúng tôi có cơ hội gắn bó với nghề”, chị nói.
Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tập trung cao độ cứu chữa bệnh nhân nguy kịch - Ảnh: XUÂN MAI
Phụ cấp trực: 25.000 - 115.000 đồng/ca
Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho hay hiện nay quy định phụ cấp cho bác sĩ "có nhưng thấp". Với một cán bộ y tế công tác tại trạm y tế cơ sở chỉ 25.000 đồng/phiên trực; bệnh viện hạng II, phụ cấp trực 24/24 giờ là 90.000 đồng/người/phiên trực.
Đối với bác sĩ công tác tại bệnh viện hạng I nếu trực 24/24 giờ, mức phụ cấp là 115.000 đồng/ca. Trực 12/24 giờ mức phụ cấp là 57.500 đồng/ca; trực 16/24 giờ là 86.250 đồng/ca. Trường hợp trực 24/24 giờ ở khoa hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì phụ cấp là 149.500 đồng/ca.
Bên cạnh đó, các y bác sĩ được hưởng lương theo hệ số, phụ cấp độc hại tùy từng chuyên khoa. Với mức lương và phụ cấp như hiện nay, đời sống của nhiều y bác sĩ rất khó khăn, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến xã, huyện.
"Theo tôi được biết, thu nhập của ngành y đứng thứ 17 trong số 18 ngành nghề hiện nay. Trong khi đó, quá trình học tập và đào tạo đặc thù kéo dài và vất vả hơn các ngành nghề khác.
Các y bác sĩ cũng thường xuyên phải học tập để nâng cao nghiệp vụ, tay nghề (Bộ Y tế có quy định về đào tạo liên tục). Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận lại cơ chế đãi ngộ để cán bộ y tế, y bác sĩ an tâm làm việc, cứu chữa cho người bệnh”, vị lãnh đạo này cho hay.
Bác sĩ học ít nhất 6 năm, lương mới ra trường chưa nổi 3 triệu
TTO - Bộ Y tế đã có đề xuất chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh, do thời gian học tập và thực hành kéo dài hơn so với các ngành nghề khác.
D.LIỄU - X.MAI - TH.HIẾN