Trang Chủ > Sức khỏe > Trẻ ho nhiều về đêm, xử trí thế nào?

Trẻ ho nhiều về đêm, xử trí thế nào?

vtc
19/08/2022 09:19:07

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết ông thường xuyên gặp các bệnh nhi được ba mẹ đưa vào viện vì ho, sốt nhẹ. Ba mẹ nào cũng than thở con ho nhiều nhất là về đêm.

Thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa các bệnh lý về đường hô hấp cũng gia tăng ở trẻ em, phổ biến nhất là cảm lạnh, khiến trẻ ho, đặc biệt là ho về đêm khiến ba mẹ lo lắng, sốt ruột.

Theo BS Tuấn, ho là một phản xạ bảo vệ có lợi cho cơ thể trẻ. Nhờ phản xạ này mà cơ thể có thể tống xuất đờm ra ngoài, làm đường thở thông thoáng, dễ thở hơn. Ngoài ra, việc ho còn giúp tống xuất mầm bệnh ra ngoài.

Ở một số trường hợp ho quá nhiều sẽ khiến trẻ bị nôn ói, đau họng, ăn uống khó khăn, tức ngực, khó ngủ, khó sinh hoạt hoặc nghiêm trọng hơn là chảy máu mắt. Không có trường hợp ho nhiều gây tổn thương phổi.

Trẻ ho nhiều về đêm, xử trí thế nào?-1

Thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa các bệnh lý về đường hô hấp cũng gia tăng ở trẻ em. (Ảnh minh hoạ)

Cách giảm triệu chứng ho

Để giúp trẻ giảm bớt triệu chứng ho, bác sĩ Tuấn khuyên cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

Nếu trẻ ho nhiều có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc ho nguồn gốc thảo dược, an toàn, phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Giữ ấm cho trẻ, sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý

Thường xuyên làm thông thoáng mũi cho trẻ, đặc biệt là trước khi ngủ. Tình trạng chảy nước mũi khi trẻ nằm ngủ sẽ khiến mũi bị tắc, rất khó chịu. Mặt khác, nước mũi có xu hướng chảy từ tầng sau họng xuống họng làm trẻ ho nhiều vào đêm.

Cần tránh cho trẻ ăn uống quá no vào ban đêm vì có thể làm cho trẻ ho nhiều hơn.

Triệu chứng của cảm lạnh

Theo BS Tuấn, cảm lạnh thường xuất hiện khi trời lạnh và mưa, hoặc có thể trong thời điểm thay đổi thời tiết đột ngột. Khi đó, cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh như virus hay vi khuẩn phát triển.

Cảm lạnh ở người trưởng thành không đáng lo nhưng nó lại gây ảnh hưởng lớn tới trẻ em. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, nếu gặp điều kiện bất lợi có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp như phổi, phế quản.

Khi bị cảm lạnh, trẻ sẽ nghẹt mũi, khó thở, chảy nhiều nước mũi, nước mắt, ho, đau họng, hắt hơi, sốt nhẹ và mệt mỏi. Hiện trên thế giới chưa có loại thuốc nào chữa hết cảm lạnh, kể cả các loại vitamin. Việc sử dụng thuốc ho giúp giảm triệu chứng khi trẻ ho nhiều gây ra khó chịu. Tùy theo mức độ đáp ứng, mức độ nặng lâm sàng của trẻ mà sử dụng các loại thuốc ho phù hợp.

Để phòng ngừa cảm lạnh trong thời gian này, chúng ta cần áp dụng đúng quy tắc 5K, đeo khẩu trang và rửa tay để hạn chế bị nhiễm bệnh, tránh tiếp xúc gần, giữ khoảng cách với người khác, đặc biệt là người có các triệu chứng về hô hấp.

TS Tuấn cho biết, thời điểm giao mùa cần giữ ấm cho trẻ linh hoạt. Khi trời mưa, gió cần, cha mẹ cần mặc cho trẻ trang phục phù hợp tránh gió lùa, khi trời nắng nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh cho phù hợp để trẻ dễ chịu, không gây hại sức khỏe.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt trong mùa này cần cho trẻ ăn các loại hoa quả bổ sung vitamin giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Ngọc Hà