2 năm dịch, nguồn thu của BV Bạch Mai giảm mạnh
Sáng 18/8, lãnh đạo Bộ Y tế có buổi làm việc với Bệnh viện Bạch Mai. Nghị quyết 33 của Chính phủ giao cho 4 bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện là BV Bạch Mai và K.
Việc thí điểm tự chủ toàn diện rơi vào đúng hai năm dịch bệnh Covid-19 nên gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh thông thường chỉ bằng 1/5-1/6 con số thường quy. Trong khi đó, toàn thể cán bộ công nhân viên BV tham gia vào tất cả các trận tuyến chống dịch.
Trong 2 năm 2020-2021, mỗi năm nguồn thu của BV giảm 2.000 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.
Quyền Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Trần Minh).
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giải pháp căn cơ nhất lúc này là tính đúng, tính đủ giá viện phí theo bảo hiểm y tế gồm 7 yếu tố cấu thành viện phí và cập nhật giá. Từ đó, bảo đảm có nguồn thu để BV đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở khang trang…
Ngoài ra, BV Bạch Mai cũng là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn, BV phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.
Chia sẻ trước đó tại buổi tọa đàm trên Cổng thông tin Chính phủ, PGS Cơ cũng cho biết BV phục vụ 90-95% là người có thẻ bảo hiểm y tế. Trong khi đó mức giá của bảo hiểm y tế đã xây dựng cách đây 10-20 năm, mới chỉ thu một phần viện phí và giờ đã trượt giá.
PGS Cơ lấy ví dụ một ca siêu âm ổ bụng, BV thu bằng tất cả các tuyến của cả nước là 43.900 đồng/ca. Máy siêu âm, thiết bị được mua từ nguồn thu của BV.
"Tôi tính từ lúc mua thiết bị đến lúc máy hết khấu hao thì tổng số tiền thu được không đủ mua máy đó, chưa nói đến chuyện trả nhân công. Tự chủ trong điều kiện ấy thì không thể làm được. Điều này dẫn tới hậu quả là không bảo đảm lấy thu bù chi. Do vậy nguồn tài chính rất khó khăn", PGS Cơ nói.
Sớm sửa các văn bản đã lỗi thời
Vì thế, BV đã đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ là trong điều kiện hiện nay (các điều kiện, văn bản pháp quy, điều kiện thực tại của bệnh viện, của ngành y tế) nên dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ ở nhóm 2 theo Nghị định 60 của Chính phủ mới ban hành- tức tự chủ kinh phí thường xuyên, PGS Cơ cho biết.
Bệnh viện đã có báo cáo tổng kết gửi Bộ Y tế, gửi Chính phủ về kết quả việc thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, hiện Chính phủ và các bộ, ban ngành chưa có văn bản hướng dẫn tiếp theo. Trong khi chờ Chính phủ trả lời, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn BV tiếp tục thí điểm tự chủ.
GS Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 chia sẻ: "Chúng tôi mong có thiết bị để làm việc, cống hiến, phát triển, có điều kiện tốt nhất về vật tư tiêu hao để phát triển chuyên môn. Đồng thời có thu nhập hợp lý, chính đáng để duy trì được công việc của người làm công ăn lương".
Đa phần các ý kiến đề xuất sửa đổi các văn bản đã lỗi thời, không còn phù hợp, điều chỉnh chế độ và chính sách phù hợp.
Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính Phủ. Chúng tôi cũng đang giao Vụ Kế hoạch và Tài chính làm việc với 2 đơn vị đang thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện để đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính Phủ".
Quyền Bộ Trưởng Y tế đề nghị BV cần có báo cáo phân tích cụ thể các vướng mắc khi thực hiện Nghị định 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.
"Về vấn đề xã hội hóa, liên doanh liên kết, Bộ Y tế đang đề xuất với Chính phủ nếu được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ một phần. Tuy nhiên, đây chỉ là đề xuất ngắn hạn, về lâu dài cần có cơ chế cụ thể", Quyền Bộ trưởng nói.