Trang Chủ > Sức khỏe > Tiểu không kiểm soát khi gắng sức

Tiểu không kiểm soát khi gắng sức

VnExpress
19/08/2022 08:59:02

Theo Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Trung tâm Tiết niệu thận học (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), tiểu không kiểm soát khi gắng sức là tình trạng đào thải nước tiểu không chủ ý. Người bệnh dễ bị són tiểu khi hoạt động thể chất như chạy bộ, nâng tạ... hoặc trong sinh hoạt hàng ngày như ho, cười lớn, hắt hơi... Tình trạng són tiểu này không liên quan đến căng thẳng tâm lý, nhưng lại gây nhiều áp lực cho người bệnh. Người bị tiểu không kiểm soát khi gắng sức sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm. Tình trạng này còn làm gián đoạn công việc, các hoạt động xã hội, mối quan hệ và thậm chí cả đời sống tình dục. Nếu không được kiểm soát, tiểu không kiểm soát khi gắng sức có thể phát triển thành són tiểu hỗn hợp (vừa tiểu không gắng sức vừa tiểu gấp), kích ứng da, nhiễm trùng đường tiết niệu...

Tiểu không kiểm soát khi gắng sức khác với tiểu không kiểm soát khẩn cấp và bàng quang tăng hoạt. Tình trạng này thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới, do yếu tố sinh nở và cấu tạo cơ vùng sàn chậu.

Tiểu không kiểm soát khi gắng sức-1

Bác sĩ Tân Cương tư vấn cho người bệnh về các bệnh lý đường tiết niệu. Ảnh: Hân Thái

Tiểu không kiểm soát khi gắng sức rất phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Các biểu hiện tiểu không kiểm soát khi gắng sức bao gồm: rò rỉ nước tiểu khi bàng quang bị áp lực, tiểu không tự chủ, bí tiểu mạn tính do bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn, bàng quang không thể lưu giữ nước tiểu...

Bác sĩ Tân Cương cho biết, tiểu không gắng sức xuất hiện khi các cơ hỗ trợ niệu đạo và kiểm soát việc đào thải nước tiểu bị suy yếu. Bình thường, các cơ có thể phối hợp nhịp nhàng để đóng, mở bàng quang, ngăn nước tiểu rò rỉ khi chúng ta chưa có nhu cầu. Nếu các cơ bị suy yếu, bất kỳ một tác động nào lên bàng quang cũng tạo thành áp lực và rỉ nước tiểu. Nguyên nhân gây yếu cơ sàn chậu và cơ vòng là do quá trình sinh nở làm tổn thương mô hoặc các dây thần kinh. Nam giới từng phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt cũng có nguy cơ bị tiểu không kiểm soát khi gắng sức, do thủ thuật can thiệp làm suy yếu cơ vòng bao quanh niệu đạo và cạnh dưới tuyến tiền liệt.

Tình trạng tiểu không tự chủ khi gắng sức có thể trầm trọng thêm ở người mắc các bệnh đường hô hấp gây ho mạn tính, người thừa cân béo phì, người hút thuốc lâu ngày, người thường xuyên vận động mạnh...

Bác sĩ sẽ thăm khám vùng chậu, khám thần kinh, thăm trực tràng... để tìm nguyên nhân gây tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể được chỉ định xét nghiệm nước tiểu, nuôi cấy nước tiểu, xét nghiệm creatinin huyết thanh, đo thể tích nước tiểu tồn dư, đo niệu động học... Một số trường hợp bác sĩ còn đo điện cơ đáy chậu để đánh giá chức năng các cơ và sự kích thích, áp lực ở niệu đạo.

Tiểu không kiểm soát khi gắng sức-2

Nuôi cấy nước tiểu trong phòng thí nghiệm để xác định sự có mặt của vi khuẩn. Ảnh: Shutterstock.

Điều trị chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức có thể bằng phương pháp nội khoa và cả ngoại khoa. Với phương pháp điều trị không phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống, cắt giảm các sản phẩm gây tăng tiết nước tiểu, tập tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu, thực hành các bài tập hỗ trợ giữ nước tiểu lại bàng quang lâu hơn... Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kháng cholinergic để làm dịu bàng quang, thuốc chẹn alpha giúp các cơ bàng quang được thư giãn, bôi thuốc để săn chắc các mô ở niệu đạo... Trong trường hợp các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để giảm áp lực lên bàng quang, tăng cường các cơ kiểm soát tình trạng tiểu són.

Theo bác sĩ Tân Cương, tiểu không kiểm soát tuy rất thường gặp, nhưng có thể được điều trị hiệu quả. Một số trường hợp vẫn có thể phòng ngừa. Mỗi người nên duy trì cân nặng hợp lý, kiêng hoặc chỉ được sử dụng khoảng 350 ml rượu/tuần. Bên cạnh đó, nên kiên trì tập các bài tập sàn chậu để tăng cường sức khỏe các cơ, nhất là sau khi sinh nở.

Hân Thái