TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đây là ca thủng ruột tự phát ở trẻ sinh non, nhẹ cân, hiếm gặp. Theo các báo cáo trong y văn thế giới, thủng ruột tự phát ở trẻ sơ sinh chỉ có khoảng 1%, hiện chưa đến 100 ca được báo cáo.
Người mẹ vui sướng khi con ăn uống bình thường và tăng cân sau mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhi là con của sản phụ Trần Thị Thiên Trang (ngụ quận Tân Phú, TP HCM). Bé sinh non ở tuần thai 29, nặng 1,3 kg, suy hô hấp , phải nằm hồi sức sơ sinh (NICU) và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
Sau sinh 7 ngày, bác sĩ phát hiện bé có phần bìu sưng, tím bất thường. Kết quả siêu âm, chụp X-quang cho thấy ổ bụng của bệnh nhi có dịch, dù bụng bé vẫn mềm, không có tình trạng viêm phúc mạc rõ ràng. Các bác sĩ nghĩ đến bệnh cảnh thủng ruột, cần can thiệp tối khẩn và đã hội chẩn ngay với chuyên gia ngoại nhi của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM).
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt đoạn ruột bị thủng, đưa hai đầu ruột ra ngoài, tạo hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh điều chỉnh kế hoạch điều trị, tăng lượng sữa nuôi em bé lên 15-20%, để đảm bảo đủ nước, dinh dưỡng. Ngoài ra, bé được bổ sung dung dịch nuôi ăn năng lượng cao. Nhờ đó, bé tăng cân ổn định để tiếp tục cuộc mổ thứ 2, đóng hậu môn nhân tạo.
Hiện tại, sau 2 tháng phẫu thuật, bé nặng hơn 3 kg, đường ruột ổn định, sức khỏe tốt và vừa trải qua cuộc mổ thứ hai, đóng hậu môn nhân tạo thành công. Bé có thể bài tiết tốt qua hậu môn như bao đứa trẻ bình thường.
Theo bác sĩ Chương, thủng ruột tự phát ở trẻ sơ sinh có thể nhầm lẫn với viêm ruột hoại tử. Tuy nhiên, viêm ruột hoại tử thường xuất hiện ở tuần thứ hai sau sinh, ruột bị viêm phù nề, hoại tử nhiều nơi, tiến triển có thể gây thủng ruột. Trong khi đó, thủng ruột tự phát ở trẻ sơ sinh khởi phát sớm hơn, ngay tuần đầu, không có tình trạng viêm hoại tử rải rác nhiều nơi mà thường chỉ bị thủng một lỗ đơn độc. Bệnh của bé là một lỗ thủng đơn độc nằm ở vị trí cuối hồi tràng, cách manh tràng khoảng 10 cm. Các phần ruột còn lại bình thường.
TS.BS Đỗ Hữu Thiều Chương đang thăm khám cho một trẻ sơ sinh non tháng tại phòng hồi sức sơ sinh BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bé được điều trị thành công nhờ phát hiện sớm, đúng bệnh, có sự phối hợp nhanh, nhịp nhàng với bác sĩ ngoại nhi, cùng với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại tại BVĐK Tâm Anh. Nếu phát hiện muộn, dịch tiêu hóa sẽ gây ra tình trạng viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc, có thể nguy hiểm tính mạng em bé.
"Trường hợp bé sinh non , nhẹ cân, suy hô hấp phải thở máy không xâm lấn mà còn thủng ruột là tình trạng rất nặng, tiên lượng tử vong gần 50%. Trên thế giới những ca này tỷ lệ tử vong rất cao. Sau mổ, điều trị bé khỏe, tăng cân, là một thành tựu của y học", bác sĩ Chương nhận định.
Mai Cát