Thời gian qua, báo chí phản ánh về thực trạng thiếu hụt nguồn cung ứng thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat (thuốc đông máu) tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, dẫn đễn có khả năng phải dừng mổ tim tại một số bệnh viện, trong đó có cả Bệnh viện Tim Hà Nội và một số bệnh viện lớn tại TP.HCM.
Trao đổi về thông tin này, tại cuộc họp báo chiều nay, 18/8, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cho hay: Hiện tại, về cơ bản, không có tình trạng thiếu thuốc cũng như vật tư y tế tại các cơ sở y tế do Sở Y tế TP.HCM quản lý. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn có khả năng thiếu một số thuốc, nếu có tình trạng chuyển bệnh nhân từ các tỉnh về TP.HCM.
Một số thuốc bị gián đoạn cung ứng là do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Ukraina - Nga, như thuốc Dopamin, Methotrexat dạng viên, nhưng đến nay hầu hết đã được cung ứng lại. Một số loại như Dextran 40 và HES 200.000 điều trị sốt xuất huyết Dengue, Sở Y tế đã làm việc với các công ty để nhập khẩu.
Dự kiến tuần tới có thể nhận 500 túi Dextran 40, và tới tháng 10/2022 sẽ cung ứng được số lượng lớn. Trong thời gian chưa có Dextran 40, thì Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng phác đồ khác để thay thế.
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế khẳng định: “TP.HCM khẳng định không thiếu loại thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat (thuốc đông máu) trong mổ tim. Đây là nhóm thuốc quý hiếm, nhưng các bệnh viện đã chủ động dự trù. Theo thông tin mới nhất từ nhà cung cấp, thì đã nhập khẩu về Việt Nam và trong thời gian ngắn tới đây sẽ cung ứng được khoảng 28.000 hộp cho các bệnh viện. Sở đã đề nghị các đơn vị báo cáo hàng tuần về vấn đề cung ứng thuốc để có biện pháp khắc phục kịp thời nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ".
Bà Lê Thiện Quỳnh Như- Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - trả lời tại cuộc họp báo chiều ngày 18/8. Ảnh: Hòa Bình
Liên quan đến tình hình nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tiếp bị đe dọa , Sở Y tế TP.HCM cho hay đã nhiều lần bày tỏ phản ứng mạnh mẽ và coi đây là vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết triệt để.
Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức các cuộc họp với Công an Quận Bình Thạnh để xem xét tình hình, trên cơ sở đó yêu cầu Bệnh viện Nhân dân Gia Định cần chủ động củng cố quy trình báo động "Code Grey" về an ninh trật tự, trong đó lưu ý thời gian kích hoạt đến Công an địa phương phải ngắn hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ trấn áp các nhóm gây rối trong bệnh viện.
Sở Y tế TP.HCMN cũng yêu cầu các bệnh viện nghiên cứu đưa ra phương án hạn chế thấp nhất tình huống người nhà bệnh nhân bất ngờ gây rối hoặc hành hung nhân viên y tế. Phải tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu trong thời gian ngắn; triển khai áp dụng quy tắc 4 giờ và 6 giờ, không lưu người bệnh ở Khoa Cấp cứu quá lâu. Đồng thời, bệnh viện phải triển khai các giải pháp giao tiếp với thân nhân người bệnh để giảm lo lắng cho người nhà bệnh nhân” – Bà Lê Thiện Quỳnh Như nói.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đưa ý kiến chỉ đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải có giải pháp tăng cường nhân lực cho Khoa Cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân tăng đột biến, như cấp cứu cho các vụ ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích... Giải pháp tăng cường nhân sự bảo vệ tại các chốt trực cũng cần được chú ý hơn tại bệnh viện, cơ sở y tế.