Viêm tai ngoài có nguy hiểm?
SKĐS - Thỉnh thoảng tôi lại bị viêm tai ngoài, nhất là khi đi bơi về. Xin hỏi, bệnh viêm tai ngoài có nguy hiểm. Tôi nên làm gì để phòng bệnh?
Viêm tai ngoài gồm có các giai đoạn như viêm tai ngoài cấp tính, mãn tính, viêm tai ngoài xâm lấn và viêm tai ngoài ác tính. Trong đó, viêm tai ngoài ác tính được cho là nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh không kịp thời phát hiện và chữa trị.
Nguyên nhân gây viêm tai ngoài ác tính
Viêm tai ngoài ác tính phát triển từ ngoài vào trong gây viêm tế bào, viêm xương và có thể làm liệt các dây thần kinh, thậm chí có thể gây tử vong khi quá trình viêm lan tới lớp màng trong của não.
Tác nhân gây bệnh viêm tai ngoài ác tính chủ yếu là vi khuẩn làm mủ xanh Pseudomonas Aeruginosa. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do sự tác động và xâm nhập vào ống tai của một số loại vi sinh vật khác. Cụ thể như vi khuẩn Staphylococcus Aureus, Aspergillus, Proteus Mirabilis, Klebsiella Oxytoca, Burkholderia Cepacia và Candida Parapsilosis.
Thông thường sau khi xâm nhập, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh và gây bệnh viêm tai ngoài. Tuy nhiên, do bệnh nhân chủ quan trong việc điều trị cùng với những điều kiện thuận lợi khác khiến vi khuẩn cùng tình trạng viêm nhiễm lan rộng, gây tổn thương, thậm chí phá vỡ cấu trúc mô mềm xung quanh. Sau khi viêm nhiễm lan rộng đến nền sọ, bệnh viêm tai giữa ác tính sẽ xuất hiện.
Có rất nhiều người phải đối mặt với nguy cơ này, đặc biệt là những người bị đái tháo đường , nhiễm HIV hoặc người già suy nhược… Theo kết quả nghiên cứu, những bệnh nhân bị đái tháo đường, người có hệ miễn dịch suy yếu (trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị HIV, người đang trong quá trình điều trị với thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị ung thư…) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với thông thường.
Viêm tai ngoài ác tính là tình trạng viêm hoại tử nặng lan rộng.
Những yếu tố thuận lợi cho sự tiến triển của bệnh viêm tai ngoài ác tính
- Thời tiết là yếu tố thuận lợi đối với viêm tai ngoài ác tính. Những người làm việc hoặc sinh sống ở những nơi có khí hậu nóng ẩm sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm tai ngoài và khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu. Nguyên nhân là do khí hậu nóng ẩm chính là điều kiện thuận lợi cho sự tiến triển của nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh.
- Yếu tố tuổi và giới tính: Những người có độ tuổi trên 60 thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm tai ngoài hoại tử cao. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, nguy cơ bị viêm tai ngoài hoại tử ở nam giới cũng cao hơn so với nữ giới.
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu: Nếu viêm tai ngoài xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi khiến tình trạng viêm nhiễm tiến triển theo hướng xấu, dễ dàng lây lan sang nhiều cơ quan lân cận và gây bệnh viêm tai ngoài hoại tử. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể không đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Người đái tháo đường: Bệnh tiểu đường khiến cơ thể gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát sự tiến triển của vi khuẩn. Mặt khác, bệnh tiểu đường có thể khiến những vết trầy xước, tổn thương ở ống tai lâu lành. Điều này khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập sâu vào bên trong, dẫn đến viêm và gây biến chứng.
- Phơi nhiễm Pseudomonas Aeruginosa: Phơi nhiễm Pseudomonas Aeruginosan thường xuất hiện trong những hồ nước chứa hàm lượng Clo cao như nước trong hồ bơi và những nơi có nguồn nước bẩn.
- Tổn thương tai ngoài: Chấn thương tai ngoài hoặc trầy xước, tổn thương tai ngoài từ những lần va đập, té ngã, làm sạch ống tai quá mạnh, gãi bên trong tai, có vật lạ mắc kẹt trong ống tai… sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và gây hoại tử nếu không được thăm khám và xử lý đúng cách.
Tiết dịch màu vàng chảy ra từ tai kèm theo mùi hôi khó chịu là một trong những triệu chứng của viêm tai ngoài ác tính.
Triệu chứng của viêm tai ngoài ác tính
Triệu chứng của viêm ống tai ngoài và viêm tai ngoài ác tính có biểu hiện khá giống nhau. Tuy nhiên, biểu hiện của viêm tai ngoài ác tính rất dễ nhận biết, cụ thể:
Tiết dịch màu vàng hoặc xanh (dịch mủ) chảy ra từ tai dai dẳng kèm theo mùi hôi khó chịu.
Đau tai nặng hơn khi cử động đầu.
Ngừa viêm tai ngoài, cách gì?
ĐỌC NGAY
Mất thính lực làm bệnh nhân không nghe rõ, ù tai nặng.
Cảm giác ngứa dai dẳng trong ống tai.
Sốt cao .
Mất giọng hoặc viêm thanh quản .
Sưng và đỏ da quanh tai.
Triệu chứng toàn thân:
Yếu cơ, khó nuốt , mất giọng hoặc viêm thanh quản…
Ngoài ra, bệnh lý viêm tai ngoài ác tính thường nằm trong bệnh cảnh tái đi tái lại hoặc kéo dài bất chấp điều trị nội khoa tích cực, khi khám sẽ có tổn thương sùi loét ở ống tai ngoài. Để chẩn đoán xác định cần phải sinh thiết giải phẫu bệnh lý. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng . Điều này sẽ làm giảm các biến chứng do nhiễm trùng.
Viêm tai ngoài ác tính có thể được điều trị dễ dàng nếu người bệnh phát hiện và tiến hành thăm khám sớm.
Điều trị viêm tai ngoài ác tính
Viêm tai ngoài ác tính có thể được điều trị dễ dàng nếu người bệnh phát hiện và tiến hành thăm khám sớm. Tùy từng trường hợp, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị chung bao gồm điều trị nội khoa với thuốc uống toàn thân, thuốc tra tại chỗ… nếu bệnh không tiến triển tốt có thể cân nhắc phẫu thuật.
Để phòng tránh bệnh viêm tai ngoài tái phát, người bệnh nên tránh tuyệt đối việc bơi lội ở những ao hồ ô nhiễm, tránh dùng tăm bông ngoáy tai nhiều lần. Khi tắm xong nên dùng máy sấy tóc thổi khô nước ở ống tai.
Điều trị bệnh viêm tai ngoài sớm sẽ ngăn ngừa được các biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có biểu hiện của viêm tai ngoài, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để phát hiện và điều trị kịp thời.
Viêm tai ngoài ác tính nếu không được điều trị sớm và kịp thời, có thể gặp các biến chứng nặng như liệt dây thần kinh do viêm màng não, áp xe não... thì bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị tích cực. Vì vậy, khi có dấu hiệu viêm tai ngoài, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác mức độ tiến triển của bệnh, nguyên nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-