Trang Chủ > Sức khỏe > Việt Nam lần đầu đặt kissing stent niệu quản xuôi dòng thành công

Việt Nam lần đầu đặt kissing stent niệu quản xuôi dòng thành công

VnExpress
04/08/2022 09:52:15

Bệnh nhân nữ (47 tuổi, Hà Nội) bị ung thư cổ tử cung 14 năm nay, đã xạ trị và hóa trị, có khối u xâm lấn niệu quản gây nhiễm trùng và chảy dịch xuống hậu môn. Chị được phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo và đặt dẫn lưu bể thận bàng quang (JJ niệu quản) để lưu thông nước tiểu.

Sau 3 tháng cần thay JJ, bác sĩ tháo ra nhưng không đặt lại được vì một đầu niệu quản bị tụt vào trực tràng, đành phải dẫn lưu nước tiểu từ thận qua da để giải quyết tạm thời tình trạng ứ nước ở thận. Đi nhiều bệnh viện nhưng không có giải pháp, chị phải sống chung với tình trạng tức bụng, ăn uống kém, nước tiểu rỉ ra liên tục ở hậu môn. Khi đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội, chị chỉ nặng 37 kg.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, nhận định nếu không được tái thông nước tiểu sớm, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng đường tiểu kéo theo nhiễm trùng máu, suy thận, kết hợp với tâm lý bi quan và thể trạng suy kiệt do ung thư rất dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân cần đặt stent phủ niệu quản xuôi dòng thay vì JJ để hạn chế rò nước tiểu gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, niệu quản của bệnh nhân bị đứt 40mm và hẹp thêm một đoạn dài khoảng 92 mm, tổng cộng là 132 mm. Do vậy chiều dài của stent phải đạt ít nhất là 140 mm trong khi tại Việt Nam hiện nay stent phủ dài nhất chỉ có 120 mm. Cách duy nhất là nối 2 stent cho đủ chiều dài mong muốn, gọi là kỹ thuật "kissing stent". Đây là lần đầu tiên bác sĩ tại Việt Nam triển khai phương pháp này để tái thông niệu quản.

Việt Nam lần đầu đặt kissing stent niệu quản xuôi dòng thành công-1

PGS Nguyễn Xuân Hiền (ngoài cùng bên phải) đang thực hiện kỹ thuật kissing stent niệu quản xuôi dòng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

"Niệu quản nằm sau phúc mạc và bị đứt đoạn nên độ di động và co giãn lớn, rất khó đặt stent, càng khó hơn khi đặt nối 2 stent. Một đầu niệu quản cắm vào hậu môn thay vì bàng quang, rất khó quan sát, chúng tôi phải dùng robot Artis Pheno để có thể tìm ra lối đưa stent vào", PGS Hiền cho biết.

Sau 45 phút nỗ lực, bác sĩ đã đặt kissing stent thành công. Kiểm tra lại dưới máy chụp mạch robot Artis Pheno cho thấy thuốc cản quang lưu thông tốt từ thận xuống bàng quang, không còn tình trạng nước tiểu chảy vào trực tràng.

Năm ngày sau, bệnh nhân được tháo bỏ ống dẫn lưu thận qua da, tự đi tiểu theo đường tự nhiên, không còn cảm giác đau buốt hay bị rò rỉ nước tiểu qua hậu môn. Chị ăn uống tốt hơn, thể trạng được cải thiện, tinh thần lạc quan. Sau 6 tháng, chị đã tăng được 17kg, đáp ứng tốt với phác đồ điều trị ung thư.

PGS Hiền cho biết kỹ thuật kissing stent (nối stent) được áp dụng nhiều trong tái thông mạch máu, nhưng chưa từng được thực hiện thành công đối với tái thông niệu quản tại Việt Nam. Hiện y văn thế giới cũng chưa có tài liệu nào ghi nhận việc đặt stent phủ niệu quản cho trường hợp bị đứt đoạn niệu quản lên đến 40 mm.

PGS Hiền đánh giá thành công của ca đặt kissing stent niệu quản lần này sẽ mở ra cơ hội cho những bệnh nhân bị đứt, hẹp, tắc, thủng niệu quản trên một đoạn dài. Những trường hợp này thông thường sẽ phải mổ đưa niệu quản ra hoặc gắn vào ống tiêu hóa... gây suy kiệt, tăng gánh nặng lên sức khỏe người bệnh ung thư và làm giảm chất lượng sống.

"Giờ đây, khi một stent không đủ dài để phủ niệu quản, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đặt nối 2 stent, nếu có đủ chuyên môn và phương tiện kỹ thuật", PGS Hiền chia sẻ.

Việt Nam lần đầu đặt kissing stent niệu quản xuôi dòng thành công-2

Hình chụp niệu quản bị đứt đoạn (bên trái) và sau khi đặt kissing stent, thuốc lưu thông tốt từ thận xuống bàng quang (bên phải). Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Niệu quản là một đường ống nhỏ dài khoảng 25-30cm, có tác dụng dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Niệu quản có thể bị hẹp tắc do sỏi, khối u xâm lấn trong trường hợp ung thư cổ tử cung, ung thư trực tràng ung thư tiền liệt tuyến, do tác dụng phụ của xạ trị hoặc phẫu thuật nhiều lần...

Hẹp tắc niệu quản gây ra các cơn đau tức bụng kèm sốt, có trường hợp nôn ói, cảm giác bí tiểu, có máu trong nước tiểu... Bệnh cần được can thiệp sớm để tái thông đường tiểu, nếu không có thể diễn biến rất nhanh thành nhiễm trùng tiểu, ứ mủ trong thận, mất chức năng thận, suy thận, nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.

Hoài Phạm