Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Đây là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.
Nhiều chị em khi phát hiện ung thư cổ tử cung lo ngại sau này con gái cũng bị ung thư như mình. Vậy ung thư cổ tử cung có di truyền không?
Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh lý di truyền. Nhưng theo một số nghiên cứu, khi trong gia đình người mẹ hoặc chị em gái mà bị ung thư cổ tử cung thì người phụ nữ đó nên được tầm soát, theo dõi kỹ càng hơn. Vì theo một số nghiên cứu ghi nhận rằng những người có yếu tố gia đình như vậy thì khả năng đề kháng kém hơn khi nhiễm HPV.
Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này:
- Virus HPV: là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.
- Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung.
- Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi.
- Sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh một - 2 con.
- Một số nguyên nhân khác: béo phì, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài ….
Chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêm phòng vaccine, thực hiện lối sống lành mạnh là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.