Người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm.
Chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A
Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số trường hợp nhập viện do cúm tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó 97,6% là mắc cúm A theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương).
6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 141.179 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm chủng độc lực cao như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...
Số ca mắc cao nhất trong tháng 3/2022 (37.442 ca), tháng 2/2022 (28.199 ca), tháng 4/2022 (21.992 ca). Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, trong đó các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao: Thanh Hóa (36.759 ca), Thái Bình (13.876 ca), Hưng Yên (13.392 ca), Nghệ An (8.792 ca), Hà Tĩnh (8.028 ca)...
Tính riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, thời gian qua có hơn 3.500 người đến khám triệu chứng nghi mắc cúm.
“Có thời điểm ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương mỗi ngày, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. Trong số hơn 3.500 người đến khám triệu chứng nghi nhiễm cúm, số bệnh nhân có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca và 34 trường hợp cúm B; có 178 trường hợp nhập viện điều trị” - TS. BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thông tin.
Lý giải nguyên nhân số ca mắc cúm A tăng, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích, trong 2 năm dịch Covid-19, người dân đeo khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng, chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, người dân chủ quan hơn trong phòng, chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng, nhưng đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.
Không được sử dụng tùy tiện Tamiflu
Trước tình hình số ca mắc Cúm A tăng, một số người dân đã tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm thậm chí là mua để tích trữ dự phòng gia đình có người mắc cúm.
Khảo sát nhanh tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, có tình trạng khan hiếm ở nhiều cơ sở và giá cả có mức dao động lớn. Tại một nhà thuốc trên đường Đội Cấn, thuốc Tamiflu được bán với giá 519.000 đồng/hộp. Chợ thuốc Hapulico, Tamiflu được rao bán từ 515.000- 560.000 đồng/hộp. Một số người bán hàng xách tay đang quảng cáo giá sản phẩm này từ 450-530.000 đồng/hộp 10 viên. Trong khi đó tại một số nhà thuốc thuộc quận Thanh Xuân, giá dao động từ 850.000 đến 900.000 đồng/hộp 10 viên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định: “Hiện có tình trạng người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm”.
Thế nhưng, theo ông Sơn: Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.
Theo một nghiên cứu được Bệnh viện Nhi trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng.
Thực tế, không ít người dân đã phải chịu hậu quả vì tự ý sử dụng thuốc để điều trị cúm. Chị Phương Thị H. (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đêm ngày 19/7 vừa qua, tôi phải nhập viện trong tình trạng sốt cao sau nhiều ngày tự điều trị bằng thuốc cảm cúm tại nhà mà không khỏi. Trước đó, ngày 12/7, tôi có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng thuốc. Nhưng sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày thứ 7, tôi sốt 39 độ C, người mất sức nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, tôi có kết quả dương tính với cúm A và được các bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay để điều trị”.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Chủ động tiêm phòng vaccine
Theo TS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông - xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.
Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM:
Tamiflu không phải thần dược
Tỷ lệ người mắc cúm cần uống thuốc Tamiflu khá thấp. Bởi cúm có thể tự khỏi, chỉ những trường hợp có nguy cơ phát triển bệnh, suy hô hấp nhanh thì mới cần uống Tamiflu.
Đặc biệt, Tamiflu có một tác dụng phụ rất nguy hiểm đó chính là khiến người bệnh trở nên trầm cảm, suy nghĩ bi quan dù chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn.
Đối với trẻ em, 1 viên nang Tamiflu sẽ là quá liều, dẫn đến cha mẹ buộc phải mở viên nang ra để chia nhỏ rồi pha với nước. Hành động này sẽ khiến sai liều lượng, ảnh hưởng đến tác dụng trị bệnh và tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Do đó, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu dự trữ tại nhà là không cần thiết. Tamiflu không phải thần dược, hãy để việc điều trị cho bác sỹ thực hiện.
Bác sĩ Trần Tiến Tùng - Bệnh viện đa khoa Medlatec:
Không chủ quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng khi mắc cúm A
Cúm là căn bệnh thường gặp nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay rất có nguy cơ “dịch chồng dịch” gồm cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ đang gặp ở nhiều nước trên thế giới.
Việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa tạng. Do đó, khi có dấu hiệu người dân cảnh giác đi khám ngay để được chữa phát hiện kịp thời, đặc biệt bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1-2 tuần. Điều quan trọng là người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tuyệt đối không tự ý uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn bác sĩ hướng dẫn.
Về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, người dân cần bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể);
Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà); Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); Ăn các loại rau củ quả; Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).
Nghĩa Toàn (ghi)