3 năm nay, từ khi mắc bệnh suy thận, anh Lầu Chính Khua phải tạm xa gia đình ở Sìn Hồ về BVĐK tỉnh Lai Châu thuê nhà ngay sát bệnh viện để 3 ngày/tuần được thực hiện chạy thận nhân tạo.
Về BVĐK tỉnh Lai Châu, những bệnh nhân như anh Khua phải thuê nhà ở trọ gần bệnh viện. "Tôi không có tiền nên dù nhớ nhà 1 năm cũng chỉ về được 1-2 lần, có thời điểm 4-5 người thuê chung 1 phòng (trong khi chỉ có 2 giường) để tiết kiệm chi phí. Hàng ngày, không ai dám ăn quá 40.000 đồng. Vào những thời điểm cần tiền mua thuốc, tôi còn nhịn...", anh Khua nhớ lại.
Kiểm tra độ an toàn của nước RO hàng ngày trước khi lọc máu cho bệnh nhân
Đặc trưng của bệnh nhân suy thận mạn là phải chạy thận đúng thời gian, cách 1 ngày phải chạy thận nhân tạo bởi vậy giường bệnh và tiếng máy lọc máu là bạn của họ theo đến hết cuộc đời.
Kéo tay áo chỉ vào những vết kim truyền trên cánh tay đã sưng chai thành cục, em Phùng Mỹ Dao, 21 tuổi, nhà ở thị trấn Sìn Hồ, nhỏ nhẹ: Mắc bệnh mệt lắm anh ơi. Gia đình em lại neo người. Mỗi lần về bệnh viện tỉnh em đi xe khách là say xe, không ăn uống được. Về đến nhà trọ chỉ có nằm bệt!
Việc đưa vào sử dụng máy chạy thận nhân tạo ở TTYT huyện Sìn Hồ là một bước ngoặt lớn của y tế tỉnh còn nghèo như Lai Châu. Đối với bệnh nhân suy thận mãn đây là ước mơ nhiều năm, đặc biệt là của những bệnh nhân nghèo. Điều trị ngay gần nhà, chi phí giảm, nhiều bệnh nhân đã có thêm điều kiện để chữa trị.
BS Lại Hồng Quang, TTYT Sìn Hồ cho biết, chuẩn bị cho việc chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, lãnh đạo TTYT y tế đã cử 1 kíp thầy thuốc về học theo phương thức cầm tay chỉ việc tại Trung tâm Thận Tiết niệu và lọc máu, BV Bạch Mai.
"Ngoài học lý thuyết, chúng tôi được các thầy đào tạo ngay tại giường bệnh nên đã nắm vững kiến thức. Thêm vào đó, trong 4 tháng đầu tiên, BVĐK tỉnh Lai Châu còn cử 1 kíp bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu và lọc máu trực tiếp hỗ trợ chuyên môn nên thầy thuốc Sìn Hồ yên tâm thực hiện lọc máu phục vụ người bệnh ở huyện".
Điều dưỡng Nguyễn Bằng Tùng, Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, BV Bạch Mai hướng dẫn thầy thuốc huyện Sìn Hồ, Lai Châu sử dụng máy chạy thận nhân tạo
BS Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, TTYT huyện Sìn Hồ là cơ sở thứ 2 sau BVĐK tỉnh Lai Châu thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Sau 3 tháng chuẩn bị khẩn trương với sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các thầy ở Hội lọc máu Việt Nam , Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, BV Bạch Mai, các nhà tài trợ, người bệnh phải lọc máu chu kỳ ở Sìn Hô đã yên tâm được điều trị gần nhà.
"Đây là hạnh phúc rất lớn không chỉ của người bệnh mà còn là ngày vui của ngành y tế địa phương. Rất mong các thầy ở Hội Lọc máu Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho Lai Châu để thầy thuốc tuyến dưới tiếp tục làm chủ nhiều kỹ thuật mới phục vụ nhân dân", BS Phong nói.
Chia sẻ niềm vui với người bệnh Sìn Hồ, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, BV Bạch Mai tin tưởng với sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, ngành y tế, qua việc triển khai chạy thận nhân tạo, y tế huyện Sìn Hồ sớm phát triển phục vụ người bệnh trên địa bàn tốt hơn.
Bệnh nhân chậy thận nhân tạo - họ đều phải điều trị lâu dài, không còn nhiều thời gian và sức lực để lao động kiếm sống, phải nương tựa vào người thân nên phần lớn đều nghèo khó, khánh kiệt kinh tế theo thời gian điều trị.
Vì vậy đưa kỹ thuật lọc máu chu kỳ về thực hiện tại các trung tâm y tế tuyến huyện là cơ hội để những bệnh nhân suy thận mãn tính có điều kiện khám, chữa bệnh gần nhà, đặc biệt là giảm chi phí.
Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu y học hiện đại vào hoạt động điều trị tại tuyến y tế cơ sở.
Chia tay chúng tôi, anh Khua đã không giấu được xúc động. Anh chia sẻ: Tôi may mắn được chạy thận nhân tạo tại huyện, được điều trị gần nhà là niềm vui lớn nhất cho những bệnh nhân suy thận như tôi bởi được giảm một phần lớn chi phí.
Được điều trị gần nhà, tôi cũng nhận được sự san sẻ, yêu thương của gia đình, người thân để tự tin vượt qua bệnh tật.
50 năm thực hiện ca lọc máu đầu tiên của Việt Nam
SKĐS - Từ 4 máy thận nhân tạo đầu tiên của Việt Nam vào năm 1967 được đặt tại BV Việt Đức và BV Trung ương Quân đội 108, đến nay ngành lọc máu của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức.