Trang Chủ > Sức khỏe > 6 công việc dễ mắc suy giãn tĩnh mạch

6 công việc dễ mắc suy giãn tĩnh mạch

VnExpress
04/08/2022 04:09:02

Giãn tĩnh mạch hình thành khi van tĩnh mạch gặp trục trặc, không hoàn thành nhiệm vụ. Máu thay vì được đưa đi về tim lại bị trào ngược, tích tụ trong tĩnh mạch. Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh như: di truyền, mang thai, béo phì, chấn thương ở chân, tuổi tác, giới tính. Ngoài ra, công việc có đặc điểm ngồi hoặc đứng quá lâu cũng là nguyên nhân, theo The Veinlnstitute (Website Viện Tim mạch Australia).

Điều dưỡng, bác sĩ

Một bác sĩ, y tá hoặc kỹ thuật viên y tế có thể làm việc 12 giờ liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi. Điều dưỡng phải di chuyển thường xuyên trong ca làm việc, còn bác sĩ ngồi khám phải ngồi hàng giờ liền mỗi ca. Ngoài ra, những ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ liền bắt buộc nhân viên y tế phải đứng, tập trung cao độ. Những yếu tố này khiến nghề bác sĩ, điều dưỡng có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, người làm trong nghề này nên chọn mang giày bệt thoải mái, tránh tình trạng lưu lượng máu bị hạn chế, thay đổi tư thế để tránh các tác động chồng chất lên nhau.

6 công việc dễ mắc suy giãn tĩnh mạch-1

Nghề bác sĩ thường phải ngồi nhiều giờ liền. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Đầu bếp

Những lý do dẫn đến nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch ở người làm nghề đầu bếp tương tự như nghề điều dưỡng. Họ phải đứng làm việc trong nhiều giờ liên tục, cử động ít.
Đầu bếp có thể giảm nguy cơ phát triển chứng giãn tĩnh mạch bằng cách mắc quần áo thoải mái, đi giày có đế hỗ trợ nhưng không quá chật, thường xuyên chuyển từ chân này sang chân khác để trụ lúc đứng nấu ăn (đảm bảo an toàn). Đi bộ, tập thể dục hoặc tham gia lớp học yoga cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Lái xe

Nghề lái xe ngồi nhiều giờ liên tục. Tư thế này có hại cho tĩnh mạch, tạo thêm áp lực lên mặt sau của đùi, khiến máu khó lưu thông qua khu vực đùi.

Bác tài phòng ngừa nguy cơ giãn tĩnh mạch chân có thể thử dừng xe sau 2-3 giờ di chuyển, đi bộ xung quanh để giải lao. Đồng thời, tài xế thử một số bài tập ngồi, gác chân để giảm sức căng của trọng lực lên tĩnh mạch khi xe dừng.

Nhân viên văn phòng

Nhân viên văn phòng có thể bị giãn tĩnh mạch vì những lý do tương tự như người lái xe. Đặc điểm công việc là ngồi hàng giờ, lặp lại liên tục trong tuần, thậm chí trong tháng. Việc ngồi liên tục gây áp lực lên tĩnh mạch, khó khăn cho máu khi lưu thông. Ngoài ra, ngồi nhiều còn ảnh hưởng sức khỏe xương khớp, nguy cơ béo phì.

Để giúp ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch phát triển, nhân viên văn phòng, nên đứng dậy đi lại trong giờ làm việc. Bạn tận dụng buổi trưa để đi dạo, đặt chân lên ghế, không mang giày cao gót hoặc quần áo quá chật khi đi làm.

Giáo viên

Giáo viên cũng là một trong những nghề nghiệp dễ bị giãn tĩnh mạch vì đứng nhiều. Tuy nhiên, đây là một công việc có thể linh động tư thế. Do vậy, trong buổi giảng, thầy cô giáo nên kết hợp đan xen giữa việc ngồi và đứng, đi lại trong lớp. Ngoài giải pháp đan xen đứng ngồi trong giờ dạy, giáo viên cũng nên tập thể dục thường xuyên, thử vài động tác kéo dài giữa các tiết học, đi thang bộ thay vì thang máy...

Công nhân xây dựng

Công việc của công nhân xây dựng đòi hỏi kết hợp giữa việc nâng vật nặng và đứng hầu hết thời gian trong ngày. Những tư thế này có thể ảnh hưởng xấu đến tĩnh mạch. Bởi lẽ, khi bạn đứng trọng lực cơ thể gây căng thẳng lên các tĩnh mạch chân. Khi nâng vật liệu hoặc dụng cụ xây dựng nặng, tĩnh mạch chân bị căng khiến máu khó lưu thông giữa chân, tim hơn.

Vì vậy, để giảm nguy cơ giãn tĩnh mạch chân, công nhân xây dựng có thể thử đi bộ xung quanh công trường, thực hiện một số động tác kéo giãn trong thời gian nghỉ ngơi, đầu tư đai thắt lưng để giảm bớt áp lực lên cơ bụng và cơ thắt lưng...

Hà Phượng (Theo The Veinlnstitute )

Dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch khi mang thai

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Thói quen gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới