Trang Chủ > Sức khỏe > Trong 18 trẻ tử vong do sốt xuất huyết, hơn 70% là thừa cân, béo phì

Trong 18 trẻ tử vong do sốt xuất huyết, hơn 70% là thừa cân, béo phì

Alo Bác Sĩ
03/08/2022 09:42:43

Tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đại diện Bộ Y tế thông tin dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng rất cao tại nhiều quốc gia, trong đó Châu Mỹ và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. WHO dự báo thời gian tới tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận ở mức cao.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến nay của cả nước là 136.075 trường hợp. Trong đó có 45 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, phân tích 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở trẻ em gần đây ghi nhận 72,2% gặp ở trẻ thừa cân béo phì và 77,8% gặp ở trẻ trên 6 tuổi.

Cụ thể, trong số 18 ca trẻ em tử vong, tỉ lệ nam/nữ là 11/7 (nam mắc, tử vong chiếm nhiều hơn nữ). Chẩn đoán cuối cùng là sốc sốt xuất huyết chiếm 77,8%. Chẩn đoán đi kèm có xuất hiện suy đa tạng (12 trường hợp), nhiễm trùng huyết (5 trường hợp) và xuất huyết (4 trường hợp). Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%. Chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Ông Khoa chỉ ra một số nguyên nhân trong điều trị dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết, gồm: Cán bộ y tế chưa nhận biết sốt xuất huyết nặng dẫn đến kéo dài, can thiệp hô hấp chậm; một số trường hợp nhận định và điều trị sốc, tái sốc chưa đúng phác đồ; theo dõi bệnh nhân chưa sát dẫn đến diễn tiến nặng trong quá trình điều trị. Một vài trường hợp chuyển viện chưa an toàn, khi bệnh nhân lên tuyến trên không còn cơ hội cứu chữa.

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng thông tin trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến số mắc, tử vong tăng.

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đưa ra 10 giải pháp cơ bản giảm tử vong do sốt xuất huyết:

- Tập huấn, đào tạo cho nhân viên mới, cập nhật tập huấn nhắc lại cho nhân viên cũ.

- Đào tạo nâng cao cho nhân viên y tế có tiếp nhận điều trị người bệnh sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết nặng trên một số cơ địa đặc biệt như tăng huyết áp, thừa cân/ béo phì, phụ nữ có thai.

- Tập huấn chăm sóc và theo dõi người bệnh cho điều dưỡng

- Tăng cường công tác hội chẩn nội viện, liên viện

- Thực hành chuyển viện an toàn

- Truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết để cho người bệnh nhập viện kịp thời.

- Thiết lập nhóm điều trị sốt xuất huyết và duy trì hoạt động nhóm, hội chẩn, trao đổi thường xuyên.

- Giám sát điều trị sốt xuất huyết bao gồm bệnh viện tư, phòng khám tư, lưu ý vấn đề truyền dịch trong điều trị sốt xuất huyết.

- Thiết lập đường dây nóng kênh hỗ trợ từ xa.

- Đảm bảo đủ thuốc, vật tư, dịch truyền và thiết bị cho công tác điều trị.