CDC Tây Ninh dự báo nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết trên diện rộng nếu người dân, chính quyền địa phương không quyết liệt cùng chung tay với ngành y tế khống chế các ổ bệnh.
Phun thuốc diệt muỗi. Ảnh minh họa: Nguyễn Chinh/TTXVN
Người dân vẫn thờ ơ
Theo ghi nhận, thành phố Tây Ninh là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với 894 ca, tăng 739 ca so với cùng kỳ năm 2021. Toàn thành phố xuất hiện 556 ổ bệnh mới, tăng 458 ổ bệnh, có 1 trường hợp tử vong (ở phường Ninh Sơn).
Tại phường Ninh Sơn, nơi đang là "điểm nóng" sốt xuất huyết của thành phố Tây Ninh với 100 ổ bệnh, tuy nhiên người dân địa phương vẫn chủ quan, thờ ơ với các biện pháp phòng, chống dịch đang có nguy cơ bùng phát mạnh hơn.
Kiểm tra thực tế tại 5 nhà dân và khu vực trọ (thuộc phường Ninh Sơn), hầu hết đều có nhiều vật dụng chứa nước không đậy nắp, chai lọ, vật linh tinh chứa nước mưa tồn đọng có nhiều lăng quăng.
Bà Nguyễn Thị Yên, sinh năm 1974, ngụ phường Ninh Sơn thừa nhận gia đình còn chủ quan. Sau khi được nhắc nhở, bà và gia đình đã ý thức được tính chất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong bởi sốt xuất huyết. Bà Yên đã lập tức loại bỏ hết các vật dụng chứa nước bẩn xung quanh nhà.
Theo ông Trần Lê Duy - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Sơn, thời gian qua, phường có tổ chức tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân nhưng hiệu quả chưa cao. Một phần do mùa mưa, nước tồn đọng nhiều, trong khí nên các hộ ở trọ đi làm cả ngày, không có thời gian hoặc không chú ý dọn dẹp. Nguồn nhân lực ngành y tế lại đang thiếu hụt do địa phương tập trung đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19. Sắp tới, phường sẽ tăng cường tuyên truyền đến từng hộ dân về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Nguyễn Trung Hiếu đánh giá, công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn vừa qua đạt hiệu quả chưa cao, dẫn đến số ca mắc chưa giảm. Trong tuần tới, UBND thành phố Tây Ninh sẽ ra quân chiến dịch kiểm soát, tuyên truyền và diệt lăng quăng để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Đoàn Thanh niên sẽ là lực lượng nòng cốt phối hợp với các địa phương trực tiếp đến tận các hộ dân tuyên truyền, diệt lăng quăng, ngăn chặn nguồn lây.
Hiệu quả phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao
Ông Biện Văn Tư - Giám đốc CDC tỉnh Tây Ninh chia sẻ, ngành y tế tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Trong đó, Thông tư 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính hiện đã hết hiệu lực nên không có cơ sở chi cho hoạt động đặc thù phòng, chống sốt xuất huyết, kéo theo hạn chế định mức chi trả công phun hóa chất diệt muỗi, định mức chi trả công diệt lăng quăng… Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng còn hạn chế.
Ông Biện Văn Tư cũng thông tin thêm, các máy phun khử khuẩn xử lý môi trường được trang bị đã lâu, hiện hư hỏng nhiều. Cùng với đó là bất cập trong áp dụng Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về việc mua sắm mới trang thiết bị và hóa chất diệt muỗi. Do đó, CDC tỉnh Tây Ninh đề xuất Bộ Y tế sớm có quy định về định mức chi cụ thể phục vụ cho công tác dập dịch để các địa phương có căn cứ xây dựng kinh phí theo các quy định hiện hành. CDC cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ 20 máy phun STIHL đeo vai, 2.000 lít hóa chất diệt muỗi và 1.000 chai dịch truyền cao phân tử dùng trong sốt xuất huyết loại Dextran 40, Dextran 70 hoặc 6% HES 200, Gelatin (loại thuốc đặc trị chống sốc dùng cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng).
Qua kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch của người dân ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Hoạt động phòng, chống dịch của địa phương rất mạnh từ đầu mùa dịch, nhưng hiệu quả chưa cao. Tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là phường Ninh Sơn cần tập trung thực hiện công tác truyền thông, giúp người dân sớm nhận biết các biểu hiện của bệnh, từ đó chủ động phát hiện sớm ca mắc để được chữa trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Về các kiến nghị của địa phương liên quan công tác tài chính, hỗ trợ hóa chất, máy phun, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp trình Bộ Y tế. Trước mắt để đối phó với tình hình dịch bệnh, Tây Ninh cần chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là tập trung diệt lăng quăng. Nếu cần thiết, ngành chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch đối với những tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm nhiều lần, bác sĩ Lương Chấn Quang nhấn mạnh.
Dập dịch có trọng tâm, trọng điểm
Với số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao tại Tây Ninh, ông Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, đây là vấn đề cần sớm được xử lý. Với tình hình thực tế hiện nay, Tây Ninh đang đứng thứ 6 so với các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số thì tỉnh có khoảng 426 ca/100.000 dân, dẫn đầu khu vực phía Nam. Chỉ tính thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Châu đã chiếm tới hơn 72% số ca mắc của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Ông Nguyễn Vũ Thượng đề nghị Tây Ninh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để chống dịch có trọng tâm, trọng điểm khi nguồn lực có hạn; đồng thời nhấn mạnh “những gì mang tính lâu dài thì thực hiện lâu dài (như diệt lăng quăng), còn những gì mang tính hỏa tốc thì phải làm ngay (như diệt đàn muỗi đang mang mầm bệnh sốt xuất huyết trong các ổ bệnh) để kiểm soát tình hình ngay từ những ngày đầu”.
Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý thêm, nếu như trước đây, ngành y tế chỉ chú trọng diệt lăng quăng, diệt muỗi trong hộ gia đình thì nay cần đặc biệt quan tâm tới những nơi công cộng như cơ quan nhà nước, xí nghiệp, công ty, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, chợ… nơi tập trung đông người. Sở Y tế Tây Ninh sớm tham mưu cho tỉnh ban hành các chỉ đạo chung về công tác phòng, chống sốt xuất huyết; trong đó có việc huy động nguồn lực, kinh phí, vật chất. Theo đó, ngành y tế sẽ làm những nhiệm vụ chuyên sâu, còn những việc không cần tới nhân viên y tế sẽ có các ngành khác hỗ trợ. Có thể đưa các chỉ tiêu phòng, chống sốt xuất huyết vào thi đua của địa phương để vận động làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh.
Về tình trạng thiếu thiết bị, hóa chất diệt muỗi, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị ngành y tế Tây Ninh trước mắt ưu tiên cho vùng trọng tâm, trọng điểm với việc tận dụng số hóa chất còn lại và thiết bị phun xịt còn sử dụng được. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ tỉnh mở các lớp tập huấn về kỹ thuật. Liên quan đến công tác điều trị, Sở Y tế Tây Ninh nên có văn bản nhắc nhở các bệnh viện công và tư trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho tất cả cơ sở y tế để nhận biết sớm các biểu hiện sốt xuất huyết, từ đó điều trị kịp thời. Nếu phát hiện ở giai đoạn quá muộn thì bệnh nhân sẽ chuyển nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, thậm chí dẫn đến tử vong.