Theo các chuyên gia, nhân viên y tế nghỉ chủ yếu là người có kinh nghiệm, chuyên môn cao, điều này khiến bệnh viện công mất đi đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Về lâu dài, đối tượng thiệt thòi nhất chính là người nghèo vì họ không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế tư nhân.
Thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng người bệnh
Đang là trưởng khoa tại một bệnh viện ở Hà Nội, chị N.T.L. phải suy nghĩ rất nhiều khi quyết định rời bỏ vị trí mà phải mất nhiều năm phấn đấu nhiều năm đến một cơ sở y tế tư nhân. Thu nhập là vấn đề quan trọng với chị. Ở cơ sở tư nhân chị được mời tới, thu nhập cao gấp đôi cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác.
Không chỉ chị L., áp lực công việc công cao, thu nhập thấp khiến nhiều nhân viên y tế trên cả nước bỏ việc, tìm đến cơ sở y tế tư nhân.
Giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội dẫn 2 yếu tố có thể giữ chân y bác sĩ là môi trường làm việc phải đảm bảo và chế độ đãi ngộ, nhưng bệnh viện công đang thiếu cả hai. Còn bệnh viện tư có thể đáp ứng tất cả. Rõ ràng, theo quy luật tự nhiên, bệnh viện tư dễ dàng thu hút nguồn cán bộ chất lượng từ khối bệnh viện công.
Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong y tế công lập. Khoảng trống này không dễ gì lấp đầy được trong thời gian ngắn nếu không có chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn.
Hình ảnh nhân viên y tế kiệt sức trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho hay, một bác sĩ hoặc nhân viên y tế từ bệnh viện công chuyển bệnh viện tư thường là người có kinh nghiệm, thậm chí đóng vai trò nòng cốt ở nơi họ công tác. Vì vậy, họ nghỉ việc nghĩa là bệnh viện không còn bác sĩ giỏi, ảnh hưởng bệnh nhân nghèo khi đến khám, chữa bệnh ở bệnh viện công.
Đồng quan điểm, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), bày tỏ, nhân viên y tế tuổi từ 30 đến hơn 50 là những người đang ở độ chín của nghề. Quyết định "ra đi" của đội ngũ này sẽ để lại khoảng trống ở bệnh viện công, ảnh hưởng chất lượng điều trị của bệnh nhân. Hệ thống công lập sẽ mất đi nguồn nhân lực cốt lõi, tài năng.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhân viên y tế nghỉ việc thời gian qua do nhiều nguyên nhân, cơ bản nhất vẫn là thu nhập. Khi mức lương không đủ sống, làm việc với áp lực công việc cao, họ sẽ quyết định thay đổi, chuyển hoặc tìm công việc khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi công việc nơi làm việc cao gấp 2-3 lần so với những năm trước sẽ tạo ra sức ép lớn cho bệnh viện vì thiếu hụt nhận sự, đồng thời người bệnh bị ảnh hưởng. Sự thiếu hụt nhân lực này không dễ dàng bù đắp vì nhân viên y tế là những người làm việc chuyên môn phải qua quá trình đào tạo, quen việc.
“Như vậy, các cơ sở y tế công lập phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được đội ngũ cán bộ có tay nghề, chuyên môn. Chính nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất đi phúc lợi lâu dài, cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải thích ứng với chỗ làm việc mới ”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói và cho rằng, di biến động ở góc độ nào đó là tốt nhưng ở giai đoạn hiện nay sự thiếu hụt đội ngũ y tế lành nghề, chất lượng cao sẽ khiến chất lượng chăm sóc người bệnh không đảm bảo. " Rõ ràng bệnh nhân thiệt thòi nhiều nhất" , vị chuyên gia nói.
Nhiều người còn nêu thực trạng các chuyên gia đầu ngành xót xa khi nhìn lực lượng kế cận rời bỏ bệnh viện công, không truyền được nghề cho lực lượng kế cận, tiếp nối sự nghiệp của mình.
Lương thấp cùng sức ép khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. (Ảnh: Vietnamnet).
Tăng sức hấp dẫn cho bệnh viện công
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc thời gian qua là cuộc dịch chuyển nhân lực khá lớn từ khu vực công sang tư. Điều đó cảnh báo việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực y tế công. Cần giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng này, nếu không chất lượng khám, chữa bệnh khu vực công chắc chắn giảm đi. Bằng cách này hay cách khác, để giữ chân được đội ngũ y tế, chúng ta cần chú trọng việc tăng sức hấp dẫn cho bệnh viện công lập.
Bên cạnh đó, muốn biết nguyên nhân chính xác của vấn đề này cần phải có đánh giá tổng thể về thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó, thống kê nguồn nhân lực nghỉ việc trong cả nước từ trung ương đến địa phương 2 năm vừa qua là bao nhiêu người. Những người đó chức danh nghề nghiệp là gì, họ chuyển từ bệnh viện nào..., mới có đánh giá được.
Tiếp theo, cần đánh giá về độ tuổi xin nghỉ việc khu vực công là bao nhiêu. Nếu trong khoảng 25 tuổi thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu độ tuổi nghỉ việc từ 35 đến 40 là vấn đề rất đáng lo ngại, vì đây là độ tuổi bước vào độ chín của nghề nghiệp.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần đánh giá không chỉ tiền công, lương mà cả về môi trường, điều kiện làm việc, mức độ khả năng làm việc, cũng như tận hiến của bác sĩ.
Việc đánh giá thực trạng này cần phải phân loại tổng thể nguồn nhân lực theo chức danh nghề nghiệp như bác sỹ, kỹ thuật viên hay điều dưỡng viên... Bên cạnh đó, còn phải đánh giá mục đích nghỉ việc là để chuyển sang khu vực y tế tư, mở phòng mạch riêng hay vì áp lực mà bỏ đi tìm công việc khác phù hợp hơn. Khi có thống kê, đánh giá toàn diện, ngành y tế mới có thể thấy được thực trạng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, từ đó tìm ra được nguyên nhân chủ quan và khách quan để đưa ra giải pháp khắc phục.
Bệnh nhân chờ đăng ký khám tại bệnh viện. (Ảnh: Bộ Y tế).
Theo kết quả nghiên cứu lương ở khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong dịch COVID-19 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thực hiện năm 2021, lương bình quân của họ ước tính 7,36 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt bình quân ở Hà Nội, TP.HCM là 10-11 triệu đồng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, khoảng 60% nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng đáng kể khi đại dịch diễn ra. Trong số các nhân viên y tế được khảo sát, hơn 1/3 cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ bị giảm; hơn 62% cán bộ y tế không có trợ cấp trong đại dịch.
Theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 là 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Sáu tháng đầu năm 2022 có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Bên cạnh đó, áp lực công việc của nhân viên y tế cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay. Ngoài ra, còn do các lý do khác như gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua.