Dựa trên cấp độ trĩ, các bác sĩ Bệnh viện FV sẽ chỉ định hoặc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân.
Bệnh lành tính nhưng không thể xem nhẹ
Theo thống kê của Hội Hậu môn Trực tràng học Việt Nam, trĩ là bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh thuộc về đại trực tràng với tỷ lệ 35-50%. Riêng nhóm dân số từ 40 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc bệnh chiếm 60-70% tại Việt Nam.
ThS. BS.CK2. Phan Văn Thái và bệnh nhân trong một buổi thăm khám (Ảnh minh họa: FV).
ThS.BSCK2. Phan Văn Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV cho biết, trĩ là căn bệnh lành tính nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân và có thể dẫn đến các biến chứng, phổ biến nhất là chảy máu lẫn trong phân lâu ngày mà người bệnh không hề biết. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu mạn tính nặng do chảy máu tái diễn thời gian dài, gây chóng mặt, mệt mỏi, sức khỏe suy sụp. Một số trường hợp trĩ nặng có thể dẫn đến biến chứng tắc mạch, viêm loét, nhiễm trùng vùng da quanh hậu môn… Trĩ càng nặng thì việc điều trị càng khó khăn và rủi ro biến chứng cao sau phẫu thuật. Thực tế, đa phần bệnh nhân có xu hướng tìm đến bác sĩ khi bệnh đã diễn biến nặng.
"Bệnh không tự thuyên giảm, nhưng hầu hết bệnh nhân ngại ngùng, cảm thấy có thể chịu được nên bỏ qua. Đến khi buộc phải đi khám thì đã nặng quá. Lúc đó, việc điều trị sẽ khó khăn", bác sĩ Thái chia sẻ.
Điều trị bệnh trĩ an toàn và hiệu quả tùy theo cấp độ
Bên cạnh di truyền, bệnh trĩ còn xuất phát từ các yếu tố cơ học khiến mạch máu vùng hậu môn bị ứ trệ, căng giãn như mang thai, ngồi lâu, táo bón, chế độ ăn uống nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia - cafe, căng thẳng,...
Theo vị trí hình thành, trĩ được chia thành 3 loại: Trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trĩ nội là tình trạng búi trĩ xuất hiện từ phía trên đường lược (là đường hình răng cưa, ranh giới giữa lớp trong cùng của hậu môn và trực tràng). Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ xuất hiện ở phía dưới đường lược và nằm bên dưới lớp da vùng rìa hậu môn. Trĩ hỗn hợp là tình trạng bệnh nhân cùng lúc có cả trĩ nội và trĩ ngoại.
Bệnh trĩ được phân loại theo nguồn gốc giải phẫu và vị trí hình thành: trĩ ngoại và trĩ nội.
Theo bác sĩ Thái, trĩ ngoại thường biểu hiện dưới tình trạng huyết khối tắc mạch cấp tính, người mắc dễ dàng sờ thấy cục sưng phồng ở rìa hậu môn, thường biểu hiện đau đớn nhiều vì đây là vùng có chứa nhiều thụ thể thần kinh cảm nhận đau. Tuy nhiên có thể điều trị dễ dàng bằng cách cắt bỏ hoặc đơn giản hơn là rạch búi trĩ lấy máu bầm (cục huyết khối) hoặc chỉ bôi thuốc và chờ cục huyết khối tự tiêu tan dần trong những trường hợp cục huyết khối nhỏ.
Trĩ nội nằm bên trong ống hậu môn nên ở giai đoạn sớm, người mắc không thể sờ thấy và chỉ phát hiện khi trĩ to lên. Y học hiện nay chia trĩ nội thành 4 cấp độ, dựa vào tiến triển của bệnh.
Trĩ độ 1: Mạch máu trĩ đã sưng lên nhưng còn nhỏ, còn nằm trong ống hậu môn, bệnh nhân không cảm nhận được. Trĩ độ 2: Búi trĩ đã to và lấp ló ở rìa hậu môn khi đi đại tiện và tự rút vào ống hậu môn sau đó. Trĩ độ 3: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi đại diện và phải dùng tay đẩy mới thụt vào trong. Trĩ độ 4: Búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài ngay cả khi người bệnh không đi tiêu như khi ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều
Dựa trên cấp độ trĩ, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Theo đó, trĩ độ 1 thường không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần hiểu rõ nguyên nhân và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để búi trĩ không to lên.
Với trĩ độ 2, bệnh nhân thường đã có triệu chứng khó chịu, nặng tức vùng rìa hậu môn khi đi đại tiện và có thể xuất hiện những biến chứng như viêm nhiễm, ngứa, chảy máu… Lúc này, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị bằng các phương pháp can thiệp ít xâm lấn như thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ (tiêm hóa chất vào mô trĩ để làm teo búi trĩ) hoặc có thể chọn lựa phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn như phẫu thuật laser
Những phương pháp can thiệp ít xâm lấn thắt vòng cao su, chích xơ có ưu điểm là nhẹ nhàng nhưng tỷ lệ thành công không cao, do chỉ can thiệp với những búi trĩ mới nhô lên, nền trĩ chưa được điều trị nên sẽ phát triển và tái phát. Do vậy việc chỉ định các phương pháp này cũng không rộng rãi, thường có thể áp dụng cho những bệnh nhân ngại phẫu thuật và chấp nhận tỉ lệ tái phát cao.
Điều trị trĩ bằng laser: Không đau, tái phát thấp và ít biến chứng
Phương án điều trị phẫu thuật được tính đến khi bệnh nhân mắc trĩ độ 3, độ 4. Có nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ khác nhau, mỗi phương pháp có chỉ định riêng cũng như có ưu và khuyết nhất định. Có khi phải áp dụng nhiều phương pháp phối hợp cho một trường hợp trĩ cụ thể, ví dụ trĩ hỗn hợp có thể phải áp dụng cắt trị nội bằng phương pháp Longo hay Laser phối hợp cắt bỏ các búi trĩ ngoại bằng phương pháp kinh điển…
Riêng phẫu thuật Laser ngoài áp dụng cho trĩ độ 3, độ 4 còn có thể áp dụng cho cả những trường hợp trĩ độ 2 có biến chứng. Tại Bệnh viện FV, các bác sĩ đang áp dụng 3 phương pháp phẫu thuật chính gồm phẫu thuật kinh điển, phẫu thuật Longo và phẫu thuật Laser. Trong đó, phẫu thuật Laser được xem là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, được dùng phổ biến vì mang lại hiệu quả tối ưu.
Phẫu thuật Laser điều trị trĩ xuất hiện trên thế giới hơn 10 năm nay và ngày càng có nhiều nước áp dụng. Hiện nay tại Pháp, phẫu thuật Laser điều trị trĩ được áp dụng ngày càng nhiều tại các bệnh viện chuyên khoa về trĩ. Tại Việt Nam, theo bác sĩ Thái, phẫu thuật này đã được FV ứng dụng từ 5 năm nay và dần mở rộng ở một số bệnh viện khác, do những ưu điểm của nó.
Phẫu thuật trĩ bằng laser.
Phẫu thuật laser được thực hiện dưới gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống. Bác sĩ sẽ thực hiện rạch da một vài lỗ nhỏ (khoảng 2mm) vùng rìa hậu môn, tương ứng với vị trí các búi trĩ lớn, qua đó đưa dây cáp có đầu năng lượng Laser với kích thước rất nhỏ (khoảng 1,5mm) sẽ được đưa vào sâu trong những bó mạch máu của búi trĩ. Khi đó, bác sĩ kích hoạt năng lượng Laser để đốt, làm teo những mạch máu đang căng giãn.
Ưu điểm lớn nhất của phương án này là gần như không đau, không cần dùng thuốc giảm đau sau mổ, trừ một số ít trường hợp có thể sử dụng thuốc giảm đau nhẹ. Bệnh nhân có thể đi làm lại khoảng 2-3 ngày sau mổ, tỷ lệ tái phát thấp, không gây biến chứng hẹp hậu môn sau mổ.
Theo ghi nhận của bác sĩ Thái, hiện nay gần 80% bệnh nhân phẫu thuật trĩ tại FV lựa chọn mổ Laser do những ưu điểm nổi bật của phương pháp này.
Bác sĩ Phan Văn Thái khuyên bệnh nhân đi khám sớm khi có triệu chứng bệnh trĩ.
Một lưu ý đặc biệt trong phẫu thuật trĩ, theo bác sĩ Thái là biến chứng chảy máu sau mổ hoặc nhiễm trùng tầng sinh môn. Ngay cả tại các bệnh viện lớn, vẫn có 2-3% số ca bị chảy máu sau mổ trĩ phải vào cấp cứu. Do đó, các bác sĩ vẫn luôn cẩn thận theo dõi và dặn dò kỹ bệnh nhân trước khi cho xuất viện sau phẫu thuật mổ trĩ.
"Nếu nghĩ mổ trĩ là đơn giản và chấp nhận thực hiện ở nơi chưa đầy đủ phương tiện hoặc điều kiện vô trùng chưa tốt, các biến chứng nặng sau mổ trĩ như chảy máu và nhiễm trùng tầng sinh môn đều có thể xảy ra và gây nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Thái khuyến cáo thêm.
Tại FV, ngoài chuyên môn của bác sĩ cũng như trang thiết bị điều trị hiện đại, quy trình chăm sóc hậu phẫu và kiểm soát nhiễm khuẩn cũng là một trong những vấn đề an toàn bệnh nhân được bệnh viện ưu tiên hàng đầu, giúp bệnh nhân mau hồi phục và giảm biến chứng sau mổ.