Ngày 4/8, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương có 62 nhân viên y tế xin nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc và dự báo con số còn tăng lên thời gian tới.
"Lo ngại nhất là trong số hàng chục bác sĩ nghỉ việc thì có đến 10 bác sĩ chuyên khoa ngoại. Hiện Trung tâm y tế các huyện thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên khoa này, gây ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân", ông Hùng nói.
Nguồn thu thiếu hụt khiến nhiều bệnh viện ở Quảng Ngãi đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Hoàng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng 1- đơn vị tự chủ chi thường xuyên nhưng kết quả chênh lệch thu - chi 6 tháng năm nay dư ra chưa được 200 triệu đồng. Trong khi đó, các trung tâm y tế tuyến huyện chênh lệch thu - chi trong 6 tháng đầu năm đều âm (âm lớn nhất là 8 tỷ đồng và ít nhất 2 tỷ đồng ).
Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Sở Y tế Quảng Ngãi, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 có 63 cán bộ y tế thôi việc, nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Số cán bộ y tế nghỉ việc gồm: 40 bác sĩ (ba bác sĩ là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tư Nghĩa xin nghỉ hưu trước tuổi), 5 dược sĩ và số còn lại là y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, nữ hộ sinh...
Ông Phạm Minh Đức, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi, cho hay nguyên nhân cán bộ y tế trên địa bàn nghỉ việc là do nguồn thu nhập thấp nên chuyển sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân, mở phòng mạch cá nhân hoặc đoàn tụ gia đình.