Theo Bộ Y tế, VN chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên vẫn đối mặt nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trong bối cảnh hiện nay. Theo hướng dẫn, các cơ sở y tế cần tăng cường tuân thủ thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn; áp dụng phòng ngừa lây nhiễm qua “tiếp xúc” và “giọt bắn” khi chăm sóc các trường hợp bệnh xác định và bệnh nghi ngờ. Trong trường hợp có các thủ thuật tạo khí dung, bắt buộc áp dụng thêm các biện pháp dự phòng qua không khí.
Dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ trên mặt một bệnh nhân 43 tuổi tại California (Mỹ). Ngoài vết sưng này, bệnh nhân còn xuất hiện nhiều vết tương tự trên cánh tay, lưng, cổ. Anh ta bị ngứa, đau lưng, mệt mỏi và đau nhức ở chân. Theo chia sẻ của bệnh nhân với Hãng tin ABC News, trước đó anh đã tham dự một bữa tiệc, lúc cao trào anh đã cởi áo để nhảy vì đổ rất nhiều mồ hôi, đồng thời có đụng chạm cơ thể với nhiều người. chụp màn hình ABC News
Đặc biệt, điều tra, truy vết, xác định người tiếp xúc gần nhằm theo dõi, quản lý và tư vấn cách tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, quản lý người nhà người bệnh và khách thăm có liên quan đến đậu mùa khỉ.
Cơ sở khám chữa bệnh triển khai sàng lọc người nhiễm hoặc nghi nhiễm khi tại địa phương có thông báo ca bệnh trong cộng đồng hoặc tại cơ sở khám chữa bệnh. Nhân viên y tế thực hiện sàng lọc phải mang phương tiện phòng hộ phù hợp ( khẩu trang y tế , mũ giấy, áo choàng phòng dịch và găng tay y tế). Khi khám sàng lọc, lưu ý khai thác tiền sử dịch tễ , các dấu hiệu triệu chứng của bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế cách ly người bệnh xác định nhiễm hoặc ca bệnh nghi ngờ tại khoa truyền nhiễm hoặc khu cách ly của cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai không được tiếp xúc với người xác định nhiễm hoặc nghi nhiễm. Nếu sản phụ sinh trong thời gian bị nhiễm hoặc nghi nhiễm, nhân viên y tế phải áp dụng tối đa các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi đỡ đẻ hoặc khi thực hiện các thủ thuật lấy thai. Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời đậu mùa khỉ . Tạm dừng cho con bú trực tiếp trong giai đoạn bệnh đang tiến triển, nhưng vẫn có thể vắt sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ...
Đánh giá nguy cơ lây nhiễm
Nguy cơ cao: Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh bao gồm các tiếp xúc da kề da với bệnh nhân (như sờ, chạm...) và quan hệ tình dục . Nhân viên y tế không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp khi trực tiếp khám, chăm sóc, điều trị. Người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc, không gian kín hoặc thông khí kém mà không sử dụng khẩu trang, phương tiện phòng hộ à Theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau phơi nhiễm; thực hiện báo cáo nếu có triệu chứng; tiêm vắc xin theo hướng dẫn.
Nguy cơ trung bình: Tiếp xúc với các vật dụng sinh hoạt của người bệnh: quần áo, chăn, chiếu, gối... Một số tình huống phơi nhiễm đặc biệt khác do cán bộ dịch tễ trực tiếp điều tra xác định, bao gồm cả phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm à Theo dõi sức khỏe trong 21 ngày sau phơi nhiễm; thực hiện báo cáo nếu có triệu chứng; tiêm vắc xin theo hướng dẫn.
Nguy cơ thấp: Tiếp xúc với trường hợp bệnh đậu mùa khỉ nhưng có sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân. Tiếp xúc trong cộng đồng từ 1 - 3 m với trường hợp nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ à Theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Bộ phận giám sát lưu lại thông tin liên lạc theo hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh của Bộ Y tế. Thực hiện tiêm vắc xin cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
(Nguồn: Bộ Y tế)