Trang Chủ > Sức khỏe > Tư thế ngủ tốt cho người bệnh bàng quang tăng hoạt

Tư thế ngủ tốt cho người bệnh bàng quang tăng hoạt

VnExpress
29/08/2022 09:12:53

Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi các cơ bàng quang không tự co lại khi bàng quang rỗng. Tín hiệu giữa não và bàng quang gặp trục trặc hoặc cơ bàng quang hoạt động mạnh có thể là nguyên nhân khiến bàng quang hoạt động quá mức.

Bàng quang tăng hoạt quá mức khiến bàng quang không giữ được nước tiểu, người bệnh dễ tiểu không kiểm soát hoặc buồn tiểu đột ngột. Việc đi tiểu thường xuyên vào ban đêm khiến khiến nhiều người mất ngủ. Ngủ không ngon giấc có thể gây ra những hậu quả tiêu cực tới thể chất và tinh thần. Dưới đây là hai tư thế ngủ giúp người bệnh giảm nhu cầu đi tiểu vào ban đêm.

Nằm nghiêng

Tư thế ngủ tốt cho người bệnh bàng quang tăng hoạt-1

Nằm nghiêng khi ngủ có thể cải thiện triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Ảnh: Freepik

Chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt ở nam giới và phụ nữ. Ngưng thở khi ngủ khiến lượng oxy trong cơ thể thấp, ảnh hưởng tới hệ tiết niệu.

Nếu người bệnh ngưng thở khi ngủ có triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức nên nằm nghiêng sang một bên thay vì nằm ngửa. Tư thế này có thể loại bỏ các triệu chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị bàng quang tăng hoạt. Cùng với đó, bệnh nhân sử dụng phương pháp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) hoặc phẫu thuật điều trị ngưng thở khi ngủ cũng giúp giảm đáng kể các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt.

Nâng cao chân

Nếu nằm thẳng, bệnh nhân thường phải đi tiểu nhiều lần. Tư thế nâng cao chân và đi tất có thể cải thiện tình trạng tiểu đêm, mất ngủ do bàng quang hoạt động quá mức. Nâng cao chân trong ngày có thể phân phối chất lỏng trong chân, khắc phục tình trạng tiểu đêm.

Với những người suy tĩnh mạch, mắc bệnh gan, suy tim mắc chứng bàng quang tăng hoạt, động tác trên có thể hỗ trợ việc điều trị, đồng thời ngăn việc đi vệ sinh nhiều vào ban đêm. Ngoài các lợi ích trên, tư thế nâng cao chân còn giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm sưng chân, phòng bệnh giãn tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đêm nhiều lần nên tham khảo, lựa chọn đệm ngủ phù hợp, tạo cảm giác thoải mái, hỗ trợ cơ thể khi ngủ. Người bệnh có thể cân nhắc sử dụng dùng tấm lót, tấm trải đệm không thấm nước hoặc đồ lót dùng một lần khi ngủ.

Theo các chuyên gia, ngoài tư thế ngủ phù hợp, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp khắc phục bàng quang tăng hoạt tại nhà như sau.

Uống đủ nước: Bệnh nhân bàng quang tăng hoạt nên uống 6-8 ly nước/ngày, không nên uống quá nhiều nhằm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua bàng quang. Hạn chế uống nhiều nước trước khi ngủ.

Tránh thực phẩm, đồ uống kích thích bàng quang: Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang khiến người bệnh tiểu liên tục như cà phê, trà, rượu, bia, đồ uống có ga, socola, cam, quýt, cà chua, món ăn cay, nóng... Do đó, mỗi người cần hạn chế dùng các sản phẩm này.

Cai thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm, có thể gây kích thích bàng quang. Người nghiện thuốc lá cần cân nhắc trao đổi với bác sĩ về việc xây dựng kế hoạch bỏ thuốc.

Huấn luyện bàng quang: Luyện tập bàng quang đi tiểu theo lịch trình đều đặn có thể tăng sức chứa của bộ phần này. Bệnh nhân nên tập đi tiểu sau 30 phút rồi tăng khoảng thời gian giữa các lần đi vệ sinh lên vài giờ.

Bài tập cơ sàn chậu: Các bài tập Kegel có thể tăng cường cơ sàn chậu giúp giữ nước tiểu, ngăn chặn tình trạng tiểu gấp. Trước khi tập người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu.

Minh Thúy (Theo Healthline )