(HNM) - Thời điểm này, thị trường bánh trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội đã rất sôi động. Đây cũng là dịp nhiều đối tượng lợi dụng để trà trộn hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tung ra thị trường để thu lợi bất chính. Trước thực trạng này, Công an thành phố Hà Nội đã tập trung triệt phá các ổ nhóm kinh doanh “thực phẩm bẩn” mùa trung thu.
Lực lượng chức năng thu giữ hơn 4.700 bánh trung thu các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại quận Cầu Giấy.
Mua rẻ, bán đắt
Sáng 24-8, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra điểm tập kết bánh trung thu tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Vào thời điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện hơn 4.700 bánh các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1993, ở tỉnh Quảng Ninh) - chủ sở hữu số hàng trên cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh trung thu do nước ngoài sản xuất là rất lớn nên đã thu mua các loại bánh trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
Trước đó, vào rạng sáng 16-8 trong quá trình tuần tra tại khu vực ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), tổ công tác Công an quận Cầu Giấy phát hiện một người đàn ông đang tập kết hàng hóa có biểu hiện nghi vấn, nên đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, phát hiện 4.000 chiếc bánh trung thu, trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ Trung Quốc. Trần Xuân Hoàn (sinh năm 1977, ở tỉnh Bắc Ninh) chủ số hàng trên khai nhận đã mua lại số bánh trên của một đầu mối ở tỉnh Lào Cai với giá gần 10 triệu đồng, nghĩa là chưa đến 2.500 đồng/chiếc mang về Hà Nội tiêu thụ.
Tại “thủ phủ” sản xuất bánh kẹo xã La Phù (huyện Hoài Đức) vào giữa tháng 8-2022, khi kiểm tra cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải, cơ quan chức năng bắt quả tang tại đây đang bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng nhưng khi đến tay người tiêu dùng có thể được “thổi giá” lên gấp hàng chục lần...
Chị Đàm Thị Hòa, kinh doanh bánh kẹo trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cùng với sản phẩm bánh trung thu truyền thống thì bánh trung thu do nước ngoài sản xuất cũng dễ tiêu thụ. Khi kinh doanh mặt hàng này nếu “mua tận gốc, bán tận ngọn” chỉ cần “làm một mùa ăn quanh năm”.
Vì một mùa trung thu an toàn
Trung tá Nguyễn Đăng Hải, Phó Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) nhận định, “mẫu số chung” trong các vụ việc vừa phát hiện là đầu vào của sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc thường rất rẻ. Nhưng khi được đóng mẫu mã đẹp, đến tay người tiêu dùng sẽ trở thành mức “giá trên trời”. Giá thành những sản phẩm này thường đi cùng chất lượng kém và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngăn chặn “thực phẩm bẩn” mùa trung thu trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Phi Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) cho biết, trước nhu cầu của thị trường, những ngày qua, nhiều đối tượng nhập lậu mặt hàng này về Hà Nội để bán. “Địa bàn quận Cầu Giấy có rất nhiều phương tiện vận tải, xe khách đi lại nên các đối tượng đã lợi dụng để gửi thực phẩm nhập lậu, nhất là bánh trung thu qua các phương tiện này về Hà Nội. Đơn vị đã tăng cường mật phục, chốt chặn tại các tuyến trọng điểm để kiểm tra và sẽ phối hợp với quản lý thị trường thực hiện giải pháp này đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”, Trung tá Nguyễn Phi Hùng khẳng định.
Ở góc độ địa phương, nhiều quận, huyện, thị xã cũng đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập huấn để nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Đình Hà cho biết, nằm giáp ranh với làng nghề sản xuất bánh trung thu nổi tiếng tại 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) nên địa bàn cũng có nhiều hộ sản xuất mặt hàng nói trên. Dịp Tết Trung thu năm nay, cùng với công tác kiểm tra, địa phương đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh; đề nghị các nhà làm bánh truyền thống công khai quy trình sản xuất để người dân được biết.
Cảnh báo về những hành vi vi phạm, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có kinh doanh, sản xuất bánh trung thu có thể bị xử phạt hành chính từ 12 triệu đồng trở lên, nặng có thể truy tố hình sự nếu sản phẩm đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng...
Công an thành phố Hà Nội khẳng định, những ngày tới là cao điểm tiêu thụ bánh trung thu, nên đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra địa bàn, đặc biệt vào khung giờ mà các đối tượng thường lợi dụng để tập kết, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc để đấu tranh, triệt phá. Tất cả nhằm giữ cho thị trường bánh trung thu an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.