Dư luận những ngày qua xôn xao trước thông tin một số trường tiểu học tại nhiều tỉnh thành phát thông báo học sinh không tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ không được học trực tiếp mà phải học trực tuyến, hoặc phải học riêng một lớp, hạn chế ra chơi, thậm chí có thể phải chuyển trường.
Một tài khoản Facebook ở Lâm Đồng chia sẻ bức ảnh chụp màn hình được cho là tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm gửi tới phụ huynh có nội dung: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên về tiêm phòng Covid-19, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tiếp tục vận động phụ huynh cho con em đi tiêm phòng theo quy định.
Đối với những học sinh chưa tiêm sẽ hạn chế tiếp xúc (tách lớp học riêng, học trực tuyến,…). Với những trường hợp không được tiêm theo chỉ định cần xin giấy xác nhận của cơ quan y tế".
Tài khoản này chia sẻ: "Con mình đang học tiểu học, giờ bị bắt đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mà mình không muốn cho cháu tiêm vì sợ ảnh hưởng sau này. Cách ly các cháu không tiêm như vậy có đúng không?".
Tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm gửi tới phụ huynh, cho biết sẽ "hạn chế tiếp xúc" đối với những học sinh chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 (Ảnh chụp màn hình).
Nhiều phụ huynh tại một số trường tiểu học ở TP Nha Trang, Khánh Hòa cũng chia sẻ đã nhận được tin nhắn từ giáo viên với nội dung: "Phương án của nhà trường cho những em không tiêm vaccine phòng Covid-19: Mỗi khối lớp lập một nhóm, phân công giáo viên dạy online luân phiên. Các em này không được đến trường. Đồng thời, gửi danh sách các em này có tên bố và mẹ, địa chỉ công tác về phòng giáo dục để gửi lên thành phố và gửi về nơi bố mẹ công tác và cư trú ở địa phương".
Hay thông báo: "Lãnh đạo thành phố chỉ đạo lập danh sách học sinh và phụ huynh không cho con tiêm vaccine, gửi về thành phố để thành phố làm việc với phụ huynh, đặc biệt có thể chuyển các học sinh không tiêm vaccine sang một trường khác, hoặc học online… do thành phố sắp xếp".
Những thông tin này khiến không ít gia đình có con nhỏ hoang mang, lo lắng.
Không phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tới nay, chưa có một hướng dẫn/quy định nào của cơ quan phòng chống dịch yêu cầu hay bắt buộc mọi người phải tiêm vaccine phòng Covid-19.
Thay vào đó, chúng ta chỉ vận động, khuyến khích người dân hiểu rõ vai trò của vaccine trong vấn đề phòng ngừa dịch bệnh, giảm nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc Covid-19.
"Không có quy định nào là bắt buộc mọi người phải tiêm, hay phải quy trách nhiệm liên quan đến vấn đề gây dịch bệnh nếu không tiêm. Những yêu cầu này của nhà trường nếu có là quá mức và không hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch hiện nay", PGS Hùng nêu quan điểm.
Theo thống kê, mỗi ngày nước ta có khoảng vài nghìn ca nhiễm mới. PGS Hùng nhận định, dịch bệnh tới nay đã được khống chế tốt. Đặc biệt, mặc dù các bệnh viện tuyến cuối vẫn có những ca phải thở oxy, can thiệp hô hấp, nhưng trường hợp diễn tiến nặng đa số chỉ gặp ở những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, bệnh lý nền nặng, người cao tuổi…
Ngoài ra, chủng Omicron dù lây lan mạnh nhưng biểu hiện bệnh lại khá nhẹ, hầu hết là những ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng chỉ như cảm cúm thông thường.
Trong khi đó, vaccine phòng Covid-19 được đánh giá có tác dụng trong vấn đề giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng, tuy nhiên thực tế trong phòng ngừa lây nhiễm thì hiệu quả của vaccine không quá cao.
"Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng việc tiêm vaccine có thể có những tác dụng phụ không mong muốn, không có vaccine nào là an toàn tuyệt đối. Bởi vậy theo quan điểm của tôi, thời điểm này, nên chú ý vào những biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu hơn là ép buộc các gia đình phải đưa con đi tiêm vaccine", PGS Hùng nói.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em ở Hà Nội (Ảnh: Đỗ Quân).
Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tới trường?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, với những trường hợp trẻ nhỏ bị béo phì, trẻ có sức đề kháng yếu hoặc mắc bệnh mạn tính nặng, cha mẹ có thể cân nhắc tiêm liều vaccine cơ bản cho trẻ, để phòng các nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.
Với những trường hợp trẻ khỏe mạnh, điều quan trọng nhất là gia đình phải có ý thức nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa bằng những phương pháp không đặc hiệu cho con, ví dụ mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc những người bệnh bị ho, bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính hoặc hạn chế đi đến những nơi đông người mà không thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa như mang khẩu trang.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân; giữ cho trong nhà, nơi học tập luôn thông thoáng; tập thể dục thể thao, rèn luyện để nâng cao thể trạng.
Trong đó, PGS Hùng cho rằng điều đầu tiên các nhà trường, phụ huynh cần chú ý là phát hiện ca bệnh. Khi trẻ có những biểu hiện, triệu chứng liên quan đến bệnh đường hô hấp cấp tính, có thể cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà hoặc yêu cầu trẻ phải luôn mang khẩu trang. Những trẻ không có dấu hiệu nghi nhiễm vẫn có thể đi học bình thường.
"Theo tôi, với những học sinh không có triệu chứng liên quan đến bệnh đường hô hấp cấp tính, việc mang khẩu trang cũng không nên bắt buộc 100% trẻ thực hiện khi tới trường trong thời điểm hiện nay. Vì thực tế, mang khẩu trang liên tục cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng tới việc tiếp thu, học tập.
Tuy nhiên, đối với thầy cô thì cần mang khẩu trang đầy đủ vì các thầy cô thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ mắc bệnh cao hơn", PGS Hùng cho hay.
Liên quan tới vụ việc ở Nha Trang, mới đây, Trưởng phòng GD&ĐT TP Nha Trang đã khẳng định những thông tin "không tiêm vaccine phòng Covid-19 phải ở nhà học online" là chưa chính xác và cho rằng việc tiêm vaccine là không ép buộc, những em chưa tiêm vẫn được đi học bình thường.
"Có thể do tỷ lệ tiêm vaccine đối với học sinh còn thấp nên một số giáo viên, nhà trường nôn nóng, thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ tới phụ huynh học sinh. Phòng GD&ĐT thành phố đã nhắc nhở, chấn chỉnh tất cả các trường và yêu cầu thông báo lại cho học sinh theo đúng tinh thần thông báo kết luận của UBND thành phố. Việc tiêm vaccine là không ép buộc. Những em chưa tiêm vẫn được đi học bình thường", Trưởng phòng GD&ĐT TP Nha Trang nói.
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa thì cho hay, việc xây dựng phương án học online là để không chủ quan, tránh bị động khi dịch bùng trở lại. Với tình hình bây giờ, các em vẫn đi học bình thường. Ông Hải cũng thông tin, đã đề nghị UBND TP Nha Trang quán triệt lại thông tin với các trường và giáo viên, tránh gây hoang mang cho phụ huynh.