Trang Chủ > Sức khỏe > Khắc phục ngay cơn đau ê buốt răng với lời khuyên từ chuyên gia

Khắc phục ngay cơn đau ê buốt răng với lời khuyên từ chuyên gia

Sức Khỏe và Đời Sống
28/08/2022 08:24:55

Theo một nghiên cứu định lượng do GSK Consumer Healthcare thực hiện cho khu vực Đông Nam Á vào cuối năm 2021, có đến 87% người Việt Nam gặp tình trạng răng ê buốt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ 39% người bệnh nhận thức được vấn đề mình đang gặp phải và có tới 48% người vẫn chưa ý thức được vấn đề này. Những con số đáng báo động trên cho thấy nhiều người vẫn chủ quan và coi nhẹ tình trạng răng ê buốt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng ê buốt

Răng ê buốt hay còn gọi răng nhạy cảm là hiện tượng răng có triệu chứng ê buốt khi ăn, uống các loại thực phẩm chua, ngọt, hoặc nóng, lạnh...

Theo TS. BS. Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, trên thực tế có rất nhiều yếu tố nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng ê buốt, trong đó các nguyên nhân chính là tổn thương bề mặt răng, chấn thương và mắc các bệnh lý về răng.

Khắc phục ngay cơn đau ê buốt răng với lời khuyên từ chuyên gia-1

Thức ăn nóng cũng là một trong những tác nhân khiến răng ê buốt

Tổn thương bề mặt răng, mòn men răng là yếu tố nguy cơ gây lộ ngà răng, dẫn đến tình trạng ê buốt. Mòn men răng có thể là hậu quả của việc chăm sóc răng sai cách như: chải răng không đúng chiều, chải răng quá mạnh, quá kỹ lưỡng, chải răng nhiều hơn ba lần một ngày. Sử dụng kem đánh răng có độ mài mòn cao; sử dụng thường xuyên nước súc miệng sạch khuẩn có chứa axit cũng là những nguyên nhân gây mài mòn men răng đáng kể.

Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống nhiều axit như ăn nhiều thức ăn chua, cam chanh, dưa chua hoặc nước ngọt có gas, soda có thể gây mòn răng và phân hủy bề mặt răng và dẫn tới lộ ngà. Một số thói quen xấu như ăn đồ cứng, nhai đá, nghiến răng khi ngủ cũng dần khiến cấu trúc răng bị tổn thương, men răng bị mài mòn.

Các nguyên nhân liên quan đến chấn thương khiến răng bị sứt mẻ cũng làm lộ lớp ngà răng nhạy cảm, dẫn đến tình trạng răng ê buốt. Các tình trạng bệnh lý như tụt nướu, sâu răng, nha chu, viêm tủy răng cũng khiến răng ê buốt.

Giải thích thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng ê buốt do men răng bị mòn, lộ ngà răng, BS CKII Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương Hà Nội, cho biết, bình thường ngà răng sẽ được bao bọc và bảo vệ bởi lớp men răng ở phần thân răng và cement răng ở phần chân răng. Ngà răng đóng góp nhiều cho việc tạo màu sắc, nâng đỡ cấu trúc răng, cũng như góp phần vào dẫn truyền các kích thích và tạo lớp bảo vệ cho tủy. Ngà răng có các ống siêu nhỏ gọi là ống ngà được sắp xếp theo mô hình xuyên tâm xung quanh tủy, kéo dài từ tủy về phía men răng bên ngoài ở thân răng và về phía cement ở chân răng. Khi men răng hoặc lớp ngà bị mài mòn hoặc tổn thương hoặc khi có hiện tượng tụt lợi thì các ống ngà sẽ bị lộ ra ngoài. Khi tiếp xúc với với thức ăn cũng như các đồ uống, các chất dịch trong ống ngà sẽ chuyển động nhanh dưới tác động của nóng và lạnh, tạo ra sự thay đổi áp suất bên trong ống ngà làm hoạt hóa những sợi thần kinh trong răng tạo ra cảm giác ê buốt và đau.

Khắc phục ngay cơn đau ê buốt răng với lời khuyên từ chuyên gia-2

Những nguyên nhân khiến răng ê buốt

Cách nào khắc phục tình trạng răng ê buốt?

Theo TS. BS. Phạm Thanh Hà, để giúp khắc phục tình trạng răng ê buốt trước hết người bệnh cần xác định được nguyên nhân nào gây ê buốt. Mức độ tổn thương bề mặt răng nhẹ, mòn men răng do chải răng hoặc do sinh lý thì có thể sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để cải thiện tình hình. Với các tình trạng nặng hơn có thể phải can thiệp y khoa, dùng các chất tác động bề mặt để khôi phục tổn thương, kết hợp duy trì sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để bảo vệ răng.

Đối với các vấn đề ê buốt răng do chấn thương vỡ, sứt mẻ răng, hoặc do bệnh lý sâu răng, tụt lợi, viêm nha chu, viêm tủy răng,… thì cần được thăm khám và điều trị giúp răng phục hồi ổn định. Người bệnh sau điều trị cũng nên duy trì sử dụng kem đánh răng chống ê buốt để chăm sóc và bảo vệ răng, cải thiện tình trạng ê buốt.

TS. BS. Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, tốt nhất chúng ta nên duy trì sử dụng kem đánh răng chống ê buốt, đánh răng 2 lần mỗi ngày, ngay cả khi tình trạng ê buốt đã giảm. Bên cạnh các thành phần như flour giúp bảo vệ răng và phòng ngừa sâu răng, thành phần hoạt chất chống tổn thương nướu, chất làm trắng răng, chất tạo cảm giác the mát,… kem đánh răng chống ê buốt còn có các thành phần như muối kali nitrat, muối thiếc florua giúp phục hồi và giảm ê buốt răng thông qua cơ chế bịt kín ống ngà và làm chắc men răng.

Đặc biệt nên lựa chọn những loại kem đánh răng chuyên biệt dành cho răng ê buốt có sử dụng công nghệ NovaMin. Một chất thủy tinh sinh học với các thành phần chính là canxi, natri, photpho… Khi tiếp xúc với nước bọt, NovaMin hoạt động để bịt kín phần ngà bị hở bằng cách kích hoạt một loạt các tác động trên bề mặt răng, tạo ra một màng bám trên bề mặt răng, ngăn sự dịch chuyển của dịch trong ống ngà cũng như ngăn tác động trực tiếp trên bề mặt của ngà răng. Theo một số nghiên cứu, chất này cũng giống như Hydroxyapatite với độ cứng cao hơn 50% so với độ cứng của ngà răng, giúp hỗ trợ giải quyết tình trạng ê buốt răng.

Những tư vấn của chuyên gia về răng ê buốt có thể tìm hiểu thêm trong chương trình truyền hình trực tuyến "Hiểu tường tận về răng ê buốt cùng chuyên gia": https://suckhoedoisong.vn/truyen-hinh-truc-tuyen-hieu-tuong-tan-ve-rang-e-buot-cung-chuyen-gia-169220811155916687.htm

Tìm hiểu thêm thông tin về "Tháng răng không ê buốt cùng chuyên gia" tại đây: https://thangrangkhongebuot.com.vn/