Trang Chủ > Sức khỏe > Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Sức Khỏe và Đời Sống
23/09/2022 09:32:00
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus-1

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy

SKĐS - Khi trẻ đột nhiên đi tiêu phân lỏng, phân nhiều nước và nhiều hơn tức là trẻ đã bị tiêu chảy. Rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng và sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy.

Tiêu chảy do virus Rota gây nên rất dễ lây và khó bị tiêu diệt, có thể sống vài giờ trên tay người, vài ngày trên các bề mặt và gần như miễn nhiễm với xà phòng, cồn, nước Javel…

Bệnh do virus Rota thường xảy ra rải rác quanh năm, ở các nước có khí hậu ôn đới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do virus Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh, thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặt biệt là dưới 12 tháng. Mỗi năm có 500.000 trẻ em chết vì tiêu chảy, trong đó 90% trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp do Rotavirus tại các quốc gia thu nhập thấp.

Ở nước ta, đây là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông và kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9.

1.

Biểu hiện bệnh tiêu chảy do Rotavirus

Sau 1 - 4 ngày lây nhiễm virus , trẻ sẽ có các biểu hiện của bệnh. Thông thường trẻ sẽ bị nôn trước, sau khoảng 1 - 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, có trẻ thì bị đi ngoài rồi mới nôn, kèm theo trẻ sốt nóng từng cơn, nhiệt độ dao động từ 38 đến 39 độ C. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn. Hơn nữa, hiện tượng nôn trớ đến rất bất ngờ, trẻ đang chơi, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó.

Trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải), phân thường nhiều nước. Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng . Bệnh thường kéo dài 3 - 7 ngày là khỏi.

Do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ bị nhiễm virus Rota rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: Khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus-2

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota gây nên.

2.

Lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: Bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước.

Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Chú ý các điểm sau:

- Cần bù nước

Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là bù nước, bù điện giải, tốt nhất là bằng nước Oresol . Trên thị trường hiện có nhiều loại dành cho các trẻ với hương vị rất dễ uống. Cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

Cha mẹ có thể pha cả gói, thể tích nước phải đong thật chính xác đến từng ml. Cha mẹ nên đút từng thìa Oserol một cho trẻ, 2 phút một lần, không nên cho trẻ tu hoặc uống liên tục. Uống nhiều và liên tục, Oserol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.

  • Tiêu chảy cấp ở trẻ - Bệnh thường gặp trong mùa mưa

  • Trẻ bị tiêu chảy cấp và các thuốc được khuyên dùng

Cha mẹ không nên chỉ cho trẻ uống nước lọc hoặc cho trẻ uống cháo gạo quá mặn, nước hoa quả pha đường. Thậm chí, có cha mẹ cho con uống cả coca, soda và các loại nước có ga cấm dùng cho trẻ tiêu chảy… khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn.

- Cần có chế độ ăn khoa học

Ngoài việc chú ý bù dịch, cha mẹ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Nhiều bà mẹ quan niệm sai lầm rằng, trẻ bị tiêu chảy thì nên kiêng thịt, cá, chất tanh, đường, sữa… Điều này vô tình làm giảm sức chống đỡ bệnh tật của trẻ, tiêu chảy càng kéo dài, nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao. Do vậy, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, cho bú bình thường, ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, chuối tiêu, uống sữa… và chia thành nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có Lactose

Đặc biệt, không cho trẻ ăn các loại lá và quả chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh… Chất Tanin có tác dụng làm săn màng ruột, có tác dụng ngay tức khắc, nên trẻ cầm tiêu chảy ngay lập tức. Tuy nhiên, cách điều trị này có thể gây hại cho trẻ. Bệnh chỉ đỡ giả tạo, còn các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn , nấm… thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus-3

Khi trẻ bị tiêu chảy do virus điều trị bằng thuốc kháng sinh là không cần thiết.

3

.

Khi nào thì cần truyền dịch?

Trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng uống nước Oresol, ăn được, chơi bình thường… thì cha mẹ không nhất thiết phải truyền dịch .

Nếu trẻ đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

4.

Tuyệt đối không dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy do virus điều trị bằng thuốc kháng sinh là không cần thiết. Bệnh không khỏi mà trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, làm bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài.

Ngoài ra, cha mẹ không cho con uống thuốc cầm tiêu chảy, vì chúng không có tác dụng tiêu diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Do đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng , thủng ruột, tắc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong.

5. Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng bệnh, tốt nhất nên đưa trẻ đi tiêm vaccine .

Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm Rotavirus qua đường tiêu hóa từ thức ăn, thức uống, đồ vật nhiễm bẩn. Vì thế, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi cầm thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con để trẻ có đủ sức chống đỡ bệnh, cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-