Tất cả giường bệnh tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) đều đã được lấp kín. Ảnh: Quốc Toàn.
Hà Nội đang bước vào khoảng thời gian giao mùa với sự thay đổi thất thường về thời tiết cũng như nhiệt độ. Việc phải đón những cơn mưa bất chợt và nhanh chóng nắng nóng trở lại khiến trẻ em - vốn là nhóm có sức đề kháng chưa phát triển toàn diện - dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp.
Nhập viện do sốt cao, co giật
Sải bước thành từng nhịp cùng những lần vỗ về nhẹ vào lưng đứa con 12 tháng tuổi đang quấy khóc tại hành lang khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), chị H. (35 tuổi, trú tại Định Công) chia sẻ thời điểm còn ở nhà, bé bỗng xuất hiện hơi thở khó khăn cùng các biểu hiện mệt mỏi, khó chịu.
“Ban đầu, tôi đưa con đến một phòng khám tư gần nhà. Tuy nhiên, tình trạng bé không đỡ, tôi quyết định cho con nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán con tôi bị viêm phế quản. Sau khi khám, bé còn được phát hiện thêm mắc viêm tai giữa”, chị H. nói.
Chị H. đi dọc hành lang để dỗ dành con quấy khóc. Ảnh: Quốc Toàn.
May mắn, sức khỏe của con chị H. hiện ổn định dần và chuẩn bị được xuất viện.
Tương tự, chị L. (32 tuổi, ngụ Lĩnh Nam) cũng có con gái 14 tháng tuổi phải nhập viện do viêm phế quản nặng.
“Trước đó, tôi có đưa con tới khám tại một cơ sở y tế khác. Sau khi được chẩn đoán viêm phế quản, các bác sĩ đã kê đơn thuốc và cho gia đình chăm sóc con tại nhà. Tuy nhiên, đến chiều, bé bất ngờ sốt cao, kèm theo cả co giật. Tôi lo quá, đành cho bé nhập viện luôn”, chị L. nói.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bé được cho truyền nước, tiêm thuốc kháng sinh và sử dụng khí rung. Hiện bé tiếp tục được các bác sĩ theo dõi sát tại khoa Nhi.
Con gái chị L. phải nhập viện sau khi sốt cao kèm co giật. Ảnh: Quốc Toàn .
Một trường hợp khác là chị Đ. (36 tuổi, ở Hoàng Mai) có con 22 tháng tuổi bị viêm phổi kết hợp viêm khí quản.
Theo thời kể, trước khi nhập viện khoảng một tuần, bé xuất hiện triệu chứng sổ mũi. Khoảng 2 ngày gần đây, bệnh nhi này có thêm tình trạng ho và sốt hơn 38 độ C. Do đó, gia đình quyết định cho bé đi khám và được chỉ định nhập viện theo dõi, điều trị.
Trên thực tế, đây chỉ là 3 trong số rất nhiều trường hợp mắc các bệnh lý liên quan đường hô hấp đang điều trị tại khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo ghi nhận của PV, tất cả giường bệnh của khoa đều đã được lấp kín.
Nhiều gia đình lựa chọn ra ngoài hành lang bệnh viện để có không gian thoáng mát hơn. Ảnh: Quốc Toàn .
Do thời tiết nắng nóng, số lượng bệnh nhân và người nhà đông, nhiều gia đình quyết định cùng con, cháu ngồi ngoài hành lang để thông thoáng hơn.
Số ca tăng gấp 3 lần
Trao đổi với Zing , BS Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết thời gian gần đây, khoa liên tục tiếp nhận các trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa cùng một số triệu chứng phổ biến như nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho..
“Hiện tại, cả khoa phải điều trị cho khoảng 90-120 bệnh nhi theo dõi nội trú. Con số này tăng khoảng 3 lần so với với thông thường. Mỗi ngày, chúng tôi cũng liên tục tiếp nhận thêm khoảng 30 trường hợp”, vị chuyên gia thông tin.
Theo BS Mai, các mặt bệnh chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản… Ngoài ra, một số bệnh nhi cũng được ghi nhận mắc sốt xuất huyết, cúm. Trong quá khứ, số ca mắc viêm đường hô hấp chỉ chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhân trong khoa. Tuy nhiên, năm nay, bệnh viện ghi nhận tới 2/3 trường hợp gặp vấn đề này.
BS Vũ Thị Mai khám và hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi. Ảnh: Quốc Toàn .
Mặt khác, đa số trường hợp phải cấp cứu là các bé một tháng tuổi. Cụ thể, những trường hợp này thường bị suy hô hấp, bỏ ăn, bỏ bú, nhập viện trong tình trạng tím tái, chỉ số SpO2 giảm…
BS Mai chia sẻ: “Trên thực tế, chỉ những trường hợp xuất hiện tình trạng suy hô hấp, chúng tôi mới chỉ định phải nhập viện. Nhóm còn lại chỉ viêm long đường hô hấp trên sẽ được hướng dẫn và kê đơn thuốc điều trị tại nhà”.
Trong khi đó, phần lớn bệnh nhi phải nhập viện do mắc bệnh liên quan đường hô hấp trong thời gian qua nằm trong nhóm 5 tuổi. Ở lứa tuổi lớn hơn, từ 5 đến 14, đa phần là bệnh nhân sốt xuất huyết.
“Hiện tại, khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn có 6 bác sĩ. Mỗi người sẽ phải theo dõi và điều trị cho khoảng 20 bệnh nhi. Con số này trong những ngày cao điểm có thể lên đến 30. Do số bệnh nhân tiếp tục tăng cao, chúng tôi đã phải nhờ tới sự hỗ trợ từ khoa khác”, BS Mai cho hay.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và cách phòng bệnh
Theo BS Vũ Thị Mai, thông qua các hội thảo do Trung ương và Sở Y tế Hà Nội tổ chức, các chuyên gia y tế cũng đề cập đến việc sau khi nhiễm SARS-CoV-2, nhiều trường hợp bị tổn thương niêm mạc đường hô hấp, chưa thể hồi phục hoàn toàn. Lúc này, các bé sẽ dễ diễn biến nặng khi bị tấn công bởi các mầm bệnh khác.
“Nhiều trường hợp còn có tình trạng tái mắc các bệnh lý liên quan hô hấp nhiều lần. Có trường hợp viêm tai giữa đang điều trị ở khoa Nhi đã phải theo dõi suốt một tháng qua”, vị chuyên gia chia sẻ.
Để đề phòng bệnh diễn biến nặng với các trường hợp có nguy cơ phải nhập viện như trên, BS Mai khuyến cáo phụ huynh cần phải theo dõi sát sức khỏe của con, nhất là những ca tái phát bệnh nhiều lần, trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ…
Ngoài ra, các phụ huynh cũng tuyệt đối không tự ý mua các loại thuốc kháng sinh cho con uống. Thay vào đó, khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bệnh về đường hô hấp phải liên hệ bác sĩ hoặc tới bệnh viện thăm khám ngay.
Về chăm sóc trẻ mắc bệnh hô hấp tại nhà, BS Mai lưu ý cha mẹ cần chú trọng vệ sinh đường hô hấp trên cho con. Đây là nơi các virus, vi khuẩn bám vào đầu tiên. Đồng thời, chúng ta cũng phải cố gắng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ thông qua dinh dưỡng hay đảm bảo chất lượng giấc ngủ.