Khoảng một năm trở lại đây, anh Lưu (41 tuổi, người Trung Quốc) gặp vấn đề về tiêu hóa. Anh thường đi đại tiện 3 - 4 lần một ngày. Vì bận rộn với công việc và nghĩ rằng mình đang trẻ, anh Lưu không dành thời gian đi kiểm tra, chỉ đơn giản là tự mua thuốc điều trị triệu chứng.
Không ngờ, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, một tháng trở lại đây, Lưu phải vào nhà vệ sinh 8, 9 lần mỗi ngày để đi nặng, sắc mặt xanh xao, cân nặng sụt giảm trông thấy. Vì gia đình nhiều lần yêu cầu, anh Lưu đã quyết định đến bệnh viện để khám.
Sau khi thăm khám, bác sĩ tìm thấy một khối u nhô lên trong trực tràng của anh thông qua nội soi và cuối cùng được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư trực tràng. Khi nhìn thấy kết quả xét nghiệm, anh không thể tin được vì bản thân còn quá trẻ và lâu nay cũng không có vấn đề sức khỏe nào quá nghiêm trọng.
Một nghiên cứu về gánh nặng của bệnh ung thư đại trực tràng được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy, ngày càng nhiều người trẻ tuổi đang là mục tiêu của căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mô hình thời gian của gánh nặng ung thư đại trực tràng toàn cầu, khu vực - quốc gia và các yếu tố nguy cơ ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 30 năm qua.
Từ đó, họ phát hiện ra rằng từ năm 1990 đến 2019, số ca ung thư đại trực tràng trên toàn thế giới tăng từ 842.098 ca lên 2,17 triệu ca, số người chết tăng từ 518.126 lên 1,09 triệu người, với sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc ở nhóm tuổi trẻ hơn (<50 tuổi).
Những yếu tố nguy cơ khiến người trẻ dễ bị ung thư đại trực tràng
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở người trẻ bao gồm:
- Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo: Ung thư đại trực tràng có thể liên quan đến chế độ ăn uống điển hình của người trẻ: ít chất xơ, nhiều chất béo và calo. Nghiên cứu trong lĩnh vực này đã có kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên ở những người ăn chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
- Một lối sống ít vận động: Những người lười vận động có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
- Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao.
- Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng và tăng nguy cơ tử vong vì ung thư đại trực tràng khi so sánh với những người được coi là cân nặng bình thường.
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc có thể tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Rượu: Sử dụng nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Tình trạng viêm đường ruột: Các bệnh viêm mãn tính của đại tràng, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng: Một số đột biến gen di truyền qua các thế hệ trong gia đình bạn có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ ung thư đại trực tràng có liên quan đến gen di truyền. Các hội chứng di truyền phổ biến nhất làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng là đa u tuyến gia đình (FAP) và hội chứng Lynch.
- Tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng: Bạn có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng nếu bạn có một người thân từng mắc bệnh. Nếu có nhiều thành viên trong gia đình bị ung thư đại trực tràng, nguy cơ của bạn còn lớn hơn.