Dịch bệnh tay chân miệng tăng đột biến
Theo Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm, dịch sốt xuất huyết Dengue ghi nhận 175 trường hợp mắc, giảm so với cùng kỳ 2021 (246 trường hợp) tại 29/30 quận, huyện (trừ thị xã Sơn Tây), với 19 ổ dịch tại 17 xã, phường thuộc 11 quận, huyện. Trong khi đó, liên cầu lợn ghi nhận 1 ca mắc; viêm não Nhật Bản 1 ca; dại 1 ca tử vong. Hiện chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại nước ta. Riêng với dịch bệnh tay chân miệng ghi nhận 968 trường hợp, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (186 ca).
TP Hà Nội duy trì hệ thống giám sát tích cực bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn (bao gồm cả các bệnh viện bộ, ngành). Công tác điều tra dịch tễ, bao vây khoanh vùng, xử lý dịch được thực hiện nhanh chóng, triệt để, không để phát sinh ổ dịch, điểm dịch phức tạp.
TP đã triển khai 21 chiến dịch phun hóa chất chủ động tại 21 xã, phường nguy cơ cao.
TP cũng đã phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết; đã triển khai 633 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các quận, huyện; triển khai 21 chiến dịch phun hóa chất chủ động tại 21 xã, phường nguy cơ cao. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn giám sát, chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, chân tay miệng cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế để sẵn sàng đáp ứng tiếp nhận người bệnh kịp thời.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP, Sở Y tế xây dựng và triển khai các kế hoạch tiêm chủng: Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân; tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm phòng vaccine mũi 4 trên toàn địa bàn Hà Nội. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tiêm chủng và chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, toàn TP đã tiêm được tổng số 18.914.730 mũi, trong đó: Mũi 1: 7.164.080 (99,6%); mũi 2: 6.775.238 (97,6%); mũi bổ sung: 229.105 (100%); mũi nhắc lại lần 1: 4.498.835 (96,5%); mũi nhắc lại lần 2: 247.472. Người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1, 2: 99,9%; mũi bổ sung: 100%; mũi 3: 96,3%; mũi 4: 22,6%. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi: Mũi 1, 2 đạt 99,9%. Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tổng số trẻ trong độ tuổi 1.023.570 trẻ, trong đó 380.670 trẻ (37,3%) thuộc diện hoãn tiêm do mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng; 300.331 trẻ (29,4%) gia đình chưa đồng ý tiêm chủng; số đối tượng đủ điều kiện tiêm mũi 1 là 342.569 trẻ; số đối tượng đủ điều kiện tiêm mũi 2 là 252.990 trẻ. Kết quả: 316.384/ 342.569 trẻ được tiêm mũi 1 (92,4%), 105.576/252.990 trẻ được tiêm mũi 2 (41,7% đối tượng cần tiêm).
Song song với đó, TP duy trì công tác tiêm chủng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đảm bảo an toàn các buổi tiêm chủng thường xuyên, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát các buổi tiêm chủng thường xuyên tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) cũng được TP tích cực triển khai. Hà Nội hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý: 35.636 cơ sở (tuyến TP quản lý: 3.991 cơ sở; tuyến quận, huyện, thị xã quản lý: 9.116 cơ sở; tuyến xã, phường, thị trấn quản lý: 22.529 cơ sở).
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại khách sạn Daewoo.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP đặc biệt tập trung vào phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội đầu xuân, Tháng hành động vì ATTP. Số cơ sở được kiểm tra: 16.294 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt: 13.328 (tỷ lệ 81,8%). Tổng số cơ sở vi phạm: 2.966 cơ sở, phạt tiền hơn 500 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động giám sát với trên 130.000 suất ăn đảm bảo ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện của Trung ương và TP như Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV...
Giám sát các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn, ngành y tế Thủ đô nói chung, hệ thống y tế cơ sở nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, đặc biệt là tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, nhắc lại mũi 3 cho trẻ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, mũi 4 cho người trên 18 tuổi. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để mọi người dân biết, tin tưởng, ủng hộ hưởng ứng và tự giác thực hiện, tránh việc chủ quan lơ là trong phòng chống dịch và tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ.
Nhân viên y tế Hà Nội tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn từ sớm, xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch, không để lan rộng, kéo dài; giám sát các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập như bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, đậu mùa khỉ. Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Phối hợp với ngành giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Vai trò của CDC Hà Nội rất quan trọng, chủ động tham mưu, đề xuất với Sở Y tế trong công tác y tế dự phòng, công tác phòng chống dịch bệnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn. Đặc biệt, các giám đốc trung tâm y tế, là những người nắm sát địa bàn cần tiếp tục quan tâm đến tuyến y tế cơ sở. Cùng với đó, tham mưu, tạo sự đồng thuận, quan tâm từ chính quyền địa phương trong công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
"Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã để đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở. Triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử trên phần mềm của Bộ Y tế, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế để phục vụ công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân" - TS Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.