Trang Chủ > Sức khỏe > Hà Nội có bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt bất thường sau mắc COVID-19 hay chưa?

Hà Nội có bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt bất thường sau mắc COVID-19 hay chưa?

Sức Khỏe và Đời Sống
15/07/2022 08:28:15

Hà Nội chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt bất thường sau mắc COVID-19

Thời gian gần đây, một số bệnh viện tại TP HCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm bất thường trong đó có một số ca tử vong. Đặc điểm chung của bệnh lý này là xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân có đái tháo đường, có dùng thuốc corticoid và hậu COVID-19 .

Cụ thể, tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương (tại TP HCM) từ tháng 2-2022 đến nay tiếp nhận 16 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn, điều trị.

Hà Nội có bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt bất thường sau mắc COVID-19 hay chưa?-1

Bác sĩ thăm hỏi và chúc mừng ba bệnh nhân hoại tử nặng xương vùng sọ - mặt, viêm xoang trên bệnh nhân có tiền sử từng mắc COVID-19 vượt "cửa tử" trở về. Ảnh: Kim Vân

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong vòng 2 tháng cũng tiếp nhận 11 ca với tình trạng viêm xoang, viêm hoại tử vùng hàm mặt và xương sọ, trong đó có 2 ca tử vong.

Tuy vậy, các chuyên gia đều khẳng định hiện chưa có bằng chứng nào để chứng minh những ca bệnh hoại tử xương hàm gần đây là do COVID-19 gây ra. Việc có hay không bệnh nhân bị hoại tử xương hàm có liên quan đến COVID-19 mới chỉ là suy đoán ban đầu, dựa trên các yếu tố lâm sàng, còn kết quả cuối cùng đang được "giải mã".

PGS.TS Trần Minh Trường - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam cho hay: Chúng tôi không dám khẳng định 100% ca bệnh trên là do COVID-19. Nhưng từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022, thế giới có khoảng 80 bài báo cáo ở Ấn Độ, Trung Quốc, các nước châu Á, châu Âu, Mỹ... về tình trạng các bệnh giống hệt như các bệnh nhân trên, được cho là có liên quan đến COVID- 19 (thể Delta).

Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng cho biết chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử xương hàm sau mắc COVID-19 đến thăm khám. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chưa tiếp nhận bệnh nhân như vậy.

Cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa mới có thể hiểu được mối liên quan giữa việc mắc COVID-19 với bệnh lý hoại tử xương hàm bất thường

PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương (Hà Nội)

cho biết, tại bệnh viện hiện chưa gặp bệnh nhân nào bị hoại tử xương sau mắc COVID-19.

Tình trạng hoại tử xương hàm mặt có thể gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, dùng corticoid thời gian dài… khi nhiễm vi khuẩn, nấm có thể dẫn đến viêm xương, gây hoại tử. Trước đây, khi chưa có thuốc tốt, bệnh nhân đến viện muộn, tình trạng này gặp khá nhiều xong hiện nay rất ít gặp. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là bệnh COVID-19 cũng có thể gây suy giảm miễn dịch.

Trả lời phóng viên báo Suckhoedoisong.vn ,

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi-Họng Trung ương cũng cho biết tại bệnh viện chưa gặp bệnh nhân nào như thế đến thăm khám.

"Nếu có trường hợp như vậy đến thăm khám, chúng tôi sẽ thông báo ngay. Vấn đề liệu tình trạng này có liên quan đến mắc COVID-19 hay không thì cần nghiên cứu thêm"- PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nói.

  • Nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 bị hoại tử xương vùng sọ - mặt, đã có 2 ca tử vong

  • 68% F0 tồn tại triệu chứng hậu COVID-19: Có 4 dấu hiệu cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị

BSCK II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng trường hợp bệnh nhân được mô tả tại TP HCM là tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm cơ hội

.

Cho đến nay, trên thế giới cũng chưa nghiên cứu được đầy đủ có phải do COVID-19 hay không. Tất cả hiện mới chỉ là giả thiết.

"Về lý thuyết, bệnh COVID-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể. Với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, sau khi mắc COVID-19 họ có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn. Tắc mạch sau mắc COVID-19 gây hoại tử xương cũng là giả thiết đáng lưu tâm"- BSCK II Nguyễn Trung Cấp nói.

Theo chuyên gia, các vấn đề sức khỏe gặp phải sau mắc COVID-19 rất đa dạng. Nhiều bệnh lý còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nên cơ chế bệnh sinh của chúng đa số mới chỉ là những giả thiết khoa học. Vì thế, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa thì mới có thể hiểu được mối liên quan giữa việc mắc COVID-19 với những bệnh lý này.

Theo các chuyên gia, triệu chứng của bệnh là sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ hôi, giống dấu hiệu của viêm xoang do răng nên dễ chẩn đoán nhầm. Dù hoại tử xương là biến chứng hậu COVID-19 nguy hiểm nhưng tỷ lệ xảy ra rất thấp.

Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, tự đi chụp MRI, CT để kiểm tra, mà cần lắng nghe cơ thể mình.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bệnh nhân sau mắc COVID-19 có dấu hiệu như đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt ở những người từng là F0 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid điều trị trong thời gian dài nên đi khám để được can thiệp sớm.

Hà Nội có bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt bất thường sau mắc COVID-19 hay chưa?-2

Sáng 14/7: Bộ Y tế cập nhật mới nhất các tỉnh tiêm chậm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4

SKĐS - Ca COVID-19 mới ở nước ta đang gia tăng, Bộ Y tế liên tục 'thúc' các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4. Tuy nhiên dù Bộ Y tế đã điểm danh đến lần thứ 10 trong hơn 2 tuần qua, vẫn có rất nhiều tỉnh, thành không rời danh sách tiêm mũi 3 và 4 chậm.