Đẩy mạnh phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm
Thực hiện Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn (Đề án), ngay từ đầu năm 2022, UBND quận Hà Đông đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến 100% DN, cửa hàng kinh doanh trái cây biết đến nội dung của Đề án.
Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Việt Long cho biết, ngoài tuyên truyền, các Ban Quản lý chợ đã niêm yết công khai các văn bản thực hiện Đề án để bà con tiểu thương nắm bắt được. Sau đó, Phòng Kinh tế phối hợp với từng phường, từng đơn vị quản lý chợ và cửa hàng, DN để tập huấn, hướng dẫn triển khai Đề án.
Các quầy trái cây ở chợ Hà Đông có giá đỡ và tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bích Hời
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số chợ và cửa hàng trên địa bàn quận Hà Đông, hầu hết các cửa hàng và quầy bán trái cây cố định đều đảm bảo hàng hóa có xuất xứ, nguồn gốc. Các cơ sở kinh doanh trái cây đều đã nắm được các quy định trong Đề án của UBND TP Hà Nội.
“Chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con ký cam kết bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) với Phòng Kinh tế. Ban Quản lý chợ cũng thường xuyên rà soát những trường hợp nào giấy chứng nhận và cam kết kinh doanh ATTP hết hiệu lực để hướng dẫn bà con đến Phòng Kinh tế để làm giấy cấp lại” - bà Đặng Thị Thu Hương, phụ trách công tác ATTP Ban Quản lý chợ Hà Đông cho biết.
Hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ
Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Hoa quả Thủy Anh Trần Thái Hoàng chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định của TP và các ngành về đảm bảo ATTP. Hàng hóa nhập về cửa hàng luôn được lưu trữ giấy tờ, hóa đơn mua hàng. Đối với nhà cung cấp, chúng tôi lựa chọn những nhà cung cấp hàng hóa có uy tín, chất lượng, đầy đủ các giấy tờ được cơ quan chức năng cấp về vấn đề ATTP”.
Chị Phạm Thị Thùy, ở La Khê, Hà Đông chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua trái cây cho gia đình sử dụng và làm quà biếu. Tôi chú ý đến yếu tố đảm bảo sức khỏe cho gia đình nên khi đi mua hàng nên thường chọn những cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo ATTP, trên sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hoặc cửa hàng được cơ quan chức năng cấp biển nhận diện trái cây an toàn”.
Theo thống kê, trong tháng 7, quận Hà Đông đã tiến hành rà soát toàn bộ các cửa hàng trái cây đã cấp biển nhận diện giai đoạn 2018 - 2020 để triển khai Đề án giai đoạn từ năm 2021 – 2025
. Trên cơ sở đó, quận phối hợp với các phường kiểm tra các cửa hàng, hướng dẫn chủ cửa hàng, DN hoàn thiện thủ tục giấy tờ cần thiết, như cấp mới và cấp lại biển nhận diện khi hết hạn, mất, hỏng.
Đến nay, tất cả các loại trái cây nhập khẩu đều có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trái cây nội, nhiều cửa hàng, quầy hàng chưa có ý thức lưu được hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, quận hướng dẫn cho từng cơ sở mở sổ để theo dõi việc mua – bán hàng hóa.
Trong sổ sẽ ghi rõ số lượng mua, địa chỉ mua hàng, điện thoại người bán hàng. "Nếu trái cây có xảy ra mất an toàn, cơ quan chức năng sẽ truy xuất và xử lý được trách nhiệm của người cung cấp hàng hóa. Hiện quận đã làm thủ tục đề nghị Sở Công Thương cấp biển nhận diện trái cây an toàn cho các cơ sở đủ điều kiện” - ông Nguyễn Việt Long cho biết.
Đến nay, quận Hà Đông có 83/83 cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 80/83 cửa hàng đã được cấp các loại giấy tờ về ATTP (đạt 96,4%). Tổng số người kinh doanh trái cây đã thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định là 303/305 người (đạt 99,3%). Có 299/305 người được tập huấn kiến thức ATTP theo quy định (đạt 98%). Quận phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP; 80% cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn", có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây.