Ngày 25/8, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, những ngày qua trên địa bàn có nhiều người bị chó cắn.
Theo đó, ngày 16/6, ở huyện U Minh có 4 người bị chó cắn. Một tuần sau, tại huyện Đầm Dơi cũng có 2 trường hợp.
Trong tháng 7, tại huyện Đầm Dơi và Ngọc Hiển có 6 nạn nhân của vụ chó cắn. Đến tháng 8, tại huyện Cái Nước và Thới Bình có 3 trường hợp.
Qua xét nghiệm chó cho thấy có virus dại. Do đó, hầu hết các trường hợp bị chó cắn nói trên đều được tiêm ngừa huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.
N. được chẩn đoán dại lâm sàng và điều trị sau khi bị chó cắn (Ảnh: CTV).
Mới nhất là trường hợp bé gái H.T.N. (15 tuổi, ngụ tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) bị chó cắn vào chân hôm 8/7 khi đến nhà người quen chơi.
Sau khi bị chó cắn, N. bất tỉnh, được đưa đến Bệnh viện đa khoa Năm Căn (tỉnh Cà Mau) cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau điều trị tiếp.
Ngày 11/7, N. đến Trung tâm y tế huyện Năm Căn tiêm phòng bệnh dại. Sau 4 mũi vaccine, ngày 2/8, N. xuất hiện các triệu chứng bất thường như sợ ánh sáng và nước. Trước sự việc trên, gia đình đưa thiếu nữ đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau điều trị.
Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, với các trường hợp liên tục bị chó cắn nói trên cho thấy tình trạng bất ổn, nhiều nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại địa bàn tỉnh này.
Trước tình trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo, đảm bảo đạt tỷ lệ trên 70% trong giai đoạn 2022-2025; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.
Lực lượng chức năng khẩn trương thống kê và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo trên từng xã; kiên quyết xử lý với các chủ nuôi chó, mèo vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, khi nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, các địa phương chủ động phối hợp ngành y tế và các đơn vị có liên quan điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng dịch theo quy định.