Trong buổi làm việc của Đoàn Giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và các biện pháp cấp bách về y tế, xã hội trong phòng chống dịch Covid-19, diễn ra tại Sở Y tế TPHCM, nhiều phản ánh về bất cập cũng như kiến nghị sửa đổi quy định về bảo hiểm y tế (BHYT), đấu thầu đã được đưa ra.
Buổi làm việc của Đoàn Giám sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Sở Y tế TPHCM (Ảnh: NT).
Nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế
Theo đó, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến nay Chính phủ chưa có nghị định hướng dẫn rõ về phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, theo điều 30 của luật BHYT. Hiện tại, các cơ sở y tế chủ yếu thanh toán theo giá dịch vụ, nên có nhiều bất cập (như không tính đúng, tính đủ các thành tố trong cơ cấu giá, chậm thay đổi giá khám, đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế gặp khó khăn...).
Do đó, TPHCM mong được xem xét bổ sung các phương thức thanh toán phù hợp hơn, đồng thời được xem xét thanh quyết toán sớm các chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt dự toán, vượt tổng mức hàng.
Riêng chi phí điều trị BHYT năm 2021 (là năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19), đến nay vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán. Đồng thời, việc tạm ứng, thanh quyết toán theo điều 32 luật BHYT cũng chưa có sự thống nhất rõ ràng với nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Việc đấu thầu gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng thanh toán thuốc cho người bệnh bảo hiểm y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM kiến nghị, khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT không yêu cầu liệt kê khối lượng chi tiết từng phần đã được kết cấu vào giá, vì giá dịch vụ do Bộ Y tế ban hành là giá trung bình, trọn gói. Ông Dũng ví dụ, nếu khám bệnh mà yêu cầu liệt kê xem bác sĩ có dùng găng tay hay không để trừ ra trong từng ca thì rất khó cho bệnh viện.
Sở Y tế TPHCM cũng mong muốn mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh tại trạm y tế để người bệnh mạn tính điều trị BHYT tuyến trên khi chuyển về được nhận thuốc tại trạm, khám chữa bệnh tại nhà; bổ sung hình thức máy đặt, máy mượn vào Nghị định 151/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, ông Dũng cho biết, các bệnh viện hiện gặp khó khăn khi thực hiện theo Công văn 1163/BHXH-CSYT hướng dẫn tạm thời thanh toán chi phí gây mê, gây tê, nên đề nghị Bộ Y tế hoặc Chính phủ có văn bản pháp luật cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, cần có quy định rõ hơn về hoạt động giám định BHYT về quy trình, phương thức...
Người dân TPHCM được nhân viên trạm y tế chăm sóc sức khỏe tại nhà (Ảnh: CTV).
2 lần xin góp ý nhưng rơi vào "im lặng"
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến từ ngành y tế TPHCM, ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế cho biết, có 4 vấn đề cần trao đổi.
Thứ nhất, liên quan đến các nội dung trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của luật BHYT, ông Nam cho rằng nếu Sở Y tế TPHCM cứ "vòng vo" sẽ còn thấy rất nhiều vấn đề vướng mắc.
Theo ông Nam, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế tiến hành triển khai sửa định Nghị định 146. Bộ Y tế đã 2 lần văn bản vào tháng 5 và tháng 6 cho chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương (trong đó có TPHCM) để xin đóng góp ý kiến. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết đều không trả lời.
Đến lần thứ 3, Bộ Y tế phải gửi trực tiếp công văn cho Giám đốc Sở Y tế đề nghị tham mưu với Chủ tịch UBND TP để báo cáo, nhưng đến ngày 12/8 chỉ nhận được công văn phản hồi của Sở Y tế.
"Ở đây muốn nói, các anh kể khó khăn vướng mắc, chúng tôi muốn lấy ý kiến để sửa từ phía cơ sở nhưng cũng không có. Cần thẳng thắn nhìn vào, rút kinh nghiệm trong việc sửa đổi bổ sung văn bản chính sách cùng với Bộ Y tế" - ông Nam nói.
Đại diện Vụ BHXH, Bộ Y tế cho biết sẽ hướng đến việc sẽ bỏ tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhưng cần có lộ trình (Ảnh minh họa: Hoàng Lê)
Kế đến, về việc cấp mã vật tư y tế, Sở Y tế TPHCM nói Bộ Y tế mới chỉ cấp 180.000 mã. Tuy nhiên, việc cấp mã hiện nay được thực hiện tự động. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quy định danh mục mã vật tư và nguyên tắc cấp mã, từ đó phía BHXH Việt Nam sẽ cấp mã tự động. Việc này Bộ Y tế đã có công văn gửi cho tất cả Sở Y tế, doanh nghiệp kinh doanh vật tư y tế.
"Các doanh nghiệp chỉ vào hệ thống của BHXH khai báo và tự động được cấp mã, nếu không khai báo thì không bao giờ có mã để đấu thầu được" - Phó Vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm xã hội khẳng định.
Thứ ba, về vấn đề thanh toán chi phí thuốc, vật tư và khám chữa bệnh BHYT, ông Nam cho biết 2 ngày trước, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Chính phủ để ban hành nghị quyết tháo gỡ bất cập, hướng đến việc sẽ bỏ tổng mức thanh toán, nhưng việc tháo gỡ cần có lộ trình.
Về hoạt động giám định BHYT, ông Nam thông tin, Bộ Y tế đã tổ chức một số hội thảo và lấy kiến rất rộng rãi để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, nguyên tắc giám định mới.