Tìm lại nụ cười cho con
Trên tầng 2 Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, gia đình 5 người của anh Siu Sôi (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nằm phân tán trên 2 chiếc giường bệnh. Vợ anh là Rơ Mah H’Kiều đang bón từng thìa nước cho cô con gái giữa Rơ Mah H’Phiếu.
Cô bé sinh năm 2014 tỏ ra mệt mỏi và khó chịu, liên tục lắc đầu từ chối trước sự nhẫn nại của người mẹ. Cạnh đó là đứa con gái út Rơ Mah Cươn gần 6 tháng tuổi nằm thiêm thiếp. Giường kế bên, Rơ Mah Sắc (con trai lớn) đã được phẫu thuật hở môi xong, vừa ngủ sau khi uống thuốc hạ sốt.
Chị Rơ Mah H’Kiều chăm sóc con gái Rơ Mah H’Phiếu.
“Nhà có 3 con mắc dị tật hàm mặt. Nghe nói có đoàn khám, phẫu thuật miễn phí nên cả gia đình đều xuống đây. Đứa con trai lớn được phẫu thuật rồi, đứa con gái thì sắp phẫu thuật, còn đứa nhỏ nhất phải đợi đợt sau, đợt này sức khỏe chưa đảm bảo” - anh Siu Sôi nói.
Anh Siu Sôi chỉ mới 22 tuổi, là người đồng bào dân tộc Gia Rai. Kết hôn từ khá sớm, anh và vợ có 3 con nhưng cả 3 đều kém may mắn vì dị tật bẩm sinh. Tình cảnh éo le khiến anh và vợ càng thêm vất vả bội phần.
“Ở quê thì đi làm thuê cho người ta, vợ ở nhà chăm con. Mấy đứa nhỏ như vầy, chăm cực lắm. Nếu không có chương trình này thì cũng không biết làm sao, may là họ hỗ trợ điều trị, còn cho thêm tiền. Đợt này đứa út chưa phẫu thuật được, thôi thì đợt sau lại đi tiếp” - anh Sôi chia sẻ.
Bé Nguyễn Ngọc Tuệ An đã bớt sốt và ngủ ngon lành.
Cùng phòng với gia đình anh Siu Sôi là 3 mẹ con của chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng (29 tuổi, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Bé Gạo (Nguyễn Ngọc Tuệ An) mới hơn 4 tháng tuổi, nằm ngủ ngon lành dưới sự vỗ về của mẹ và chị gái.
“Gạo được phẫu thuật vào ngày 23/8, hiện sức khỏe đã tạm ổn, không còn sốt cao như đêm trước. Con không quấy khóc, tội lắm” - chị Phượng cười, niềm vui hiện rõ trong ánh mắt.
Chị Phượng được bác sĩ thông báo tình trạng bất thường của Gạo khi đang mang thai ở tháng thứ 7. Các tháng trước, bé thường xuyên cựa quậy và mặt bị che khuất nên mãi đến lúc cuối thai kỳ, dị tật mới được phát hiện.
“Lúc đó suy nghĩ dữ lắm, khóc hoài. Gia đình cũng đưa ra nhiều lời khuyên, nhưng con mình thì mình thương, cứ sinh ra đã, tới đâu hay tới đó” - chị Phượng nhớ lại.
Khi Gạo chào đời, chồng Phượng bỏ đi, để lại cho chị một tay nuôi 2 con nhỏ, đứa lớn mới 4 tuổi. Thu nhập thấp, cha mẹ chị cũng không mấy khá giả, nên việc đưa con đi điều trị nằm ngoài khả năng.
“Nghe nói có đoàn về điều trị miễn phí. Giờ họ về thật rồi, Gạo cũng đã được phẫu thuật xong” - chị Phượng không giấu được vui mừng.
Đừng bỏ cuộc
Từ ngày 22 - 26/8, tổ chức Operation Smile Việt Nam (Operation Smile) cùng đoàn y tế đến từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, một số tình nguyện viên của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật ở Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận.
Bác sĩ khám sàng lọc dị tật trước khi phẫu thuật.
Đợt này, có 120 trẻ em gặp dị tật được thăm khám, trong đó khoảng 85 trường hợp được phẫu thuật. Số lượng phẫu thuật khá lớn nên các y, bác sĩ rất bận rộn với hàng chục ca được thực hiện mỗi ngày.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Như Hải - Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình răng hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc phẫu thuật chỉ là một giai đoạn của quá trình điều trị. Các em cần được tiếp tục theo dõi, chăm sóc và thực hiện nhiều phẫu thuật sau đó nữa”.
Theo quy trình điều trị toàn diện, khi mang thai mà phát hiện có vấn đề thì phải tư vấn cho mẹ về điều trị, về dinh dưỡng. Khi sinh ra, trước 4 tháng tuổi phải cho bé mang khí cụ, chỉnh hình mũi, xương ổ răng, 4 tháng có thể phẫu thuật môi. Sau đó theo dõi tiếp, 12 tháng phẫu thuật vòm, sau đó đánh giá lại xem bé phát âm tốt chưa. Các biện pháp điều trị và phẫu thuật sẽ kéo dài đến tận 18 tuổi. Nếu thực hiện quy trình hoàn chỉnh, tỷ lệ trẻ phục hồi như người bình thường đạt từ 80 - 90%.
Vấn đề bất lợi nhất hiện nay ở Quảng Ngãi là chưa có trung tâm điều trị toàn diện cho các bé gặp dị tật hàm mặt. Hiện tại, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật, nên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã làm chủ được kỹ thuật mổ môi một bên và mổ vòm một bên. Đây là điều rất đáng mừng, vì các em khi phẫu thuật không còn phải đi xa, đỡ tốn kém chi phí. Tuy nhiên, với hàng loạt ca phẫu thuật và phương pháp điều trị sau khi mổ môi và mổ vòm, hành trình tìm lại nụ cười cho các em sẽ không hề đơn giản.
“Mong muốn lập 1 đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đặt tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, chứ như để đi xa quá thì việc theo dõi, điều trị rất khó khăn. Ký kết chuyển giao điều trị toàn diện sẽ có lợi cho các bé ở địa phương”, bác sĩ Hải bày tỏ.
Các bác sĩ phẫu thuật dị tật hàm mặt cho các em.
Cũng theo bác sĩ Đỗ Như Hải, điều trị sớm và toàn diện sẽ tạo tâm lý thoải mái cho các em, tránh được sự tự ti và hòa nhập được với cộng đồng. Tuy nhiên, phải xác định rằng đây là hành trình dài và vất vả. “Để làm được điều này thì ngoài gia đình còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt là cha mẹ, đừng bỏ cuộc, cố gắng vì tương lai của con” - bác sĩ Hải nhấn mạnh.