Cẩn thận chấn thương: Khi đi chơi tại các vùng núi do trơn trượt rất dễ bị ngã chảy máu, chấn thương. Khi có vết thương chảy máu hay xước da, bệnh nhân cần phải được nhanh chóng xử lý cầm máu. Nguyên tắc trước khi cầm máu phải làm sạch vết thương sau đó dùng băng gạc che kín.
Những vết thương có thể sơ cứu tại chỗ, nếu không được vệ sinh đúng cách có nguy cơ bị nhiễm trùng lâu khỏi và để lại sẹo xấu. Lưu ý, bạn nên chăm sóc vết thương ngoài da bằng nước muối sinh lý, không nên dùng oxy già.
Đối những chấn thương nặng như gãy xương, chúng ta cần phải nhanh chóng cố định vết thương rồi đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để nhận được sơ cứu đúng cách. Khi gia đình có kế hoạch đi chơi vùng núi cần phải chuẩn bị bông, băng, gạt, nước muối sinh lý để có thể sơ cứu khi người thân bị ngã do trơn trượt.
Đề phòng côn trùng, rắn: Vùng núi là nơi sinh sống của rất nhiều loại côn trùng, đặc biệt là muỗi. Hai loại muỗi gây bệnh cần phải chú ý tới đó là muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết hoạt động chủ yếu vào ban ngày (sáng sớm và hoàng hôn). Thứ hai là muỗi gây bệnh sốt rét, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Người bị hai loại muỗi trên cắn sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh rất cao.
Khi chọn đi chơi tại các vùng núi, bạn cần tránh nhưng nơi đang lưu hành dịch bệnh. Cần phải mang theo kem đuổi muỗi, mặc áo dài tay và sáng màu khi đi chơi trong rừngNgoài ra, các gia đình vui chơi tại khu vực rừng núi cần phải cảnh giác trước nguy cơ bị rắn tấn công. Tháng 4-11 là thời gian sinh sôi phát triển mạnh của rắn độc.
Phòng đuối nước: Ở các khu du lịch biển, hầu như năm nào cũng xảy ra tai nạn đuối nước ở cả người lớn và trẻ em. Nhiều người lớn chủ quan, bơi ra biển một mình vào sáng sớm, tắm biển ban đêm nên khi xảy ra tai nạn thường không được cấp cứu kịp thời, chỉ đến khi xảy ra hậu quả, không thấy người thân trở về thì mới phát hiện đã gặp nạn trên biển.
Vì thế, để phòng đuối nước ở cả người lớn và trẻ em, tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi biết bơi, bơi giỏi. Ngoài ra, đừng quên khâu khởi động, chỉ 5-7 phút ngắn ngủi này rất có giá trị, giúp làm nóng cơ thể trước khi xuống nước lạnh, phòng ngừa được nguy cơ chuột rút.
Nếu xảy ra tình huống đuối nước, cần phải nhanh chóng tiếp cận, đưa nạn nhân lên bờ an toàn và thực hiện các thao tác sơ cứu như mở thông đường thở, đánh giá hơi thở, hà hơi, ép lồng ngực.
Tai nạn do hỏa hoạn: Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân về công tác chữa cháy còn nhiều hạn chế; bất cẩn khi nấu ăn bằng bếp củi, bếp than tổ ong, bếp trấu... hoặc do chập điện, nổ bình gas, quên tắt bếp... hoặc để vật liệu bắt lửa gần chỗ nấu nướng như giấy, vải, dầu, xăng...
Để đề phòng những tai nạn này, cần lưu ý:
- Đốt lửa trại: Bạn chỉ nên đốt lửa trại trong khi vực cho phép để tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Luôn mang theo các thiết bị cứu hỏa nhanh như xô nước, bình cứu hỏa...
- Nấu nướng: Sử dụng bếp, dụng cụ làm bếp an toàn. Nếu dùng bếp gas, hãy luôn kiểm tra xem có rò rì hay không trước khi dùng. Tắt bếp khi nấu xong.
Ngộ độc thực phẩm: Ăn uống là điều cần tuyệt đối lưu tâm vì khi đi du lịch, gia đình ăn hoàn toàn bên ngoài, phó thác toàn bộ sự an toàn của mình cho hàng quán. Nguy cơ càng tăng cao hơn ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém. Cùng một bữa ăn với nguồn thực phẩm như nhau, cùng bát đũa… nhưng người lớn có thể không sao, trẻ nhỏ lại bị tiêu chảy.
Vì thế, với trẻ nhỏ đang ăn cháo bột, đồ ăn của trẻ nên được chế biến sẵn. Như với trẻ nhỏ đang ăn bột, việc thay bé bột mặn bằng vài ba ngày một ngọt không ảnh hưởng gì tới dinh dưỡng của trẻ, lại an toàn và tiện lợi trong những ngày du lịch.
Đi du lịch đến vùng đất mới, ai cũng có tâm trạng háo hức được thưởng thức món đặc sản nơi mình đến. Nhưng hãy cẩn trọng, món đặc sản dù rất phổ biến ở địa phương đó, mọi người ăn an toàn nhưng với chúng ta - bộ tiêu hóa chưa từng tiếp nhận nguồn thực phẩm lạ đó. Vì thế, với món ăn mới, ngay cả người lớn cũng chỉ nên thử một chút. Sau một ngày thấy ổn thì hôm sau có thể gọi ăn tiếp. Và với con trẻ thì càng phải thận trọng hơn.