Trang Chủ > Sức khỏe > Thủ phạm khiến gần 50% người thành thị bị mỡ máu cao

Thủ phạm khiến gần 50% người thành thị bị mỡ máu cao

VnExpress
31/08/2022 10:56:04

Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh thừa cholesterol trong máu là "thủ phạm" chính dẫn đến tình trạng mỡ máu cao. Dẫn chứng trong hội thảo "Báo động thực trạng thừa cholesterol: hệ lụy và giải pháp" vừa qua, chuyên gia sức khỏe cho biết lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL, còn gọi là cholesterol xấu) vận chuyển cholesterol đến các tế bào cần thiết. Khi LDL cholesterol bị dư thừa, tích tụ lâu ngày sẽ lắng đọng vào thành động mạch, làm tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ... Trong khi đó, lipoprotein tỷ trọng cao (HDL hoặc cholesterol tốt), loại bỏ các cholesterol dư thừa từ mạch máu, các mô và đưa nó trở lại gan, từ đó đào thải khỏi cơ thể. HDL cũng giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm ở mạch máu. Giảm HDL do đó cũng là một trong số những yếu tố dẫn đến mỡ máu.

Thủ phạm khiến gần 50% người thành thị bị mỡ máu cao-1

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Thống kê năm 2019 cho thấy rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao khiến 4,4 triệu người tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu, theo Telegraph. Do đó, tổ chức Tim mạch Anh khuyến nghị người trưởng thành nên kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu thường xuyên. Với người từ 20 tuổi trở lên không có yếu tố nguy cơ, cần kiểm tra mỡ máu 5 năm một lần. Bác sĩ Sơn cho biết: "Tại Việt Nam, gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao - con số này rất đáng báo động".

Có nhiều nguyên nhân khiến nửa dân số thành thị dễ bị mỡ máu. Đa phần khu vực này có nền kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo đó là lối sống "công nghiệp", vội vàng. Vì tập trung toàn lực cho công việc, nhiều người có xu hướng tìm đến thức ăn nhanh, ít có thời gian tập luyện, vận động... Tỷ lệ này sẽ còn tăng nếu người dân nơi đây không nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, hệ lụy của mỡ máu cao.

Các nghiên cứu còn chỉ ra tình trạng thừa cân, căng thẳng cũng làm gia tăng tình trạng thừa cholesterol trong máu. Nhiều nhà khoa học cho rằng khi gặp áp lực, cơ thể tiết ra ra một số hormone có thể làm tăng lượng cholesterol xấu.

Người dân có thể chủ động phòng ngừa bệnh lý này bằng cách điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh, vận động mỗi ngày và thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo đó, chế độ dinh dưỡng dành cho người bị mỡ máu cao lẫn người khỏe mạnh trên cơ bản khá giống nhau, gồm bốn nhóm chất chính: tinh bột, protein (chất đạm), lipid (chất béo), chất xơ.

Nhóm protein : ưu tiên thịt nạc, các loại cá béo hay đậu. Có thể ăn bốn quả trứng một tuần.

Tinh bột : cung cấp 60-70% năng lượng mỗi ngày, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như khoai, củ quả, ngũ cốc nguyên cám...

Lipid (chất béo) : ưu tiên thực phẩm chứa chất béo có lợi như cá biển sâu (cá hồi, cá trích), quả bơ, ô liu, các loại dầu thực vật. Lưu ý nên sử dụng dầu thực vật có chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol vì có khả năng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm.

Cả người khỏe mạnh và người bị mỡ máu cao đều nên hạn chế các chất béo có hại như: mỡ động vật, nội tạng, món chiên rán, đồ đóng hộp.

Chất xơ : nên bổ sung đa dạng rau củ, nhất là rau nhiều màu sắc. Với quả ngọt, nên ăn dưới 100g một ngày và quả nhạt nên ăn dưới 200 g mỗi ngày.

Thủ phạm khiến gần 50% người thành thị bị mỡ máu cao-2

Cơ chế hoạt động của Gamma - Oryzanol giúp làm giảm mỡ máu. Ảnh: Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Ngoài ra, mọi người có thể áp dụng thực đơn chuẩn "LIGHT", tức chế độ ăn uống dựa trên 5 nguyên tắc: lựa chọn chất béo có lợi (L); ít tiêu thụ da mỡ, nội tạng động vật (I); giảm muối khi nấu nướng (G); hạn chế rượu, bia (H); tăng cường rau xanh, ngũ cốc (T).

Bên cạnh đó, cũng có những quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thừa cholesterol, mỡ máu. Trong đó, phổ biến nhất là chủ trương kiêng hoàn toàn chất béo, chỉ ăn đồ hấp luộc.

Thực chất, chất béo có vai trò quan trọng, cần thiết cho sự hấp thu chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Chúng cũng là thành phần chính của các hormone, màng tế bào. Thiếu hụt chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức năngnhiều cơ quan, nhất là hệ thần kinh. Ngoài ra, chất béo cũng là một trong số những nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp ta cảm thấy no lâu hơn.

Tiến sĩ Trương Hồng Sơn khuyên mọi người không nên kiêng chất béo một cách máy móc trong khẩu phần ăn, thay vào đó, ưu tiên sử dụng các loại chất béo có lợi như dầu ô liu, dầu gạo, dầu hướng dương...

Vận động với cường độ và thời gian hợp lý là một trong những cách giúp giảm LDL, tăng HDL, góp phần kiểm soát tốt huyết áp và lượng đường huyết. Cụ thể, nên dành ít nhất 30 phút đến một tiếng mỗi ngày tập các bài đơn giản như chạy bộ, đạp xe, bơi lội... Ngoài ra nên bỏ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga... và giữ cân nặng ở mức hợp lý, ổn định.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn