Trang Chủ > Sức khỏe > Thiếu cơ chế pháp lý thực hiện tự chủ bệnh viện toàn diện

Thiếu cơ chế pháp lý thực hiện tự chủ bệnh viện toàn diện

Pháp luật và Xã hội
31/08/2022 10:44:31
Thiếu cơ chế pháp lý thực hiện tự chủ bệnh viện toàn diện-1

TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội-Tổng hội Y học Việt Nam

Những khó khăn trong quá trình thực hiện

Phân tích những khó khăn đối với các BV khi thực hiện tự chủ toàn diện, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế; Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội-Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Chúng ta thiếu cơ chế về mặt pháp lý, quá trình thực hiện cũng thiếu sự chỉ đạo. Để thực hiện được tự chủ, thứ nhất phải tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; thứ hai tự chủ về tổ chức nhân sự; thứ 3 tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản; thứ 4 tự chủ về tiền lương và giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong 4 vấn đề này đều chưa rõ về cơ chế tài chính.

Theo TS. Huy Quang, BV được tự chủ xác định quy mô BV theo yêu cầu chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; tự quyết định về chỉ tiêu nhân lực hoạt động và tự quyết định phát triển các chuyên ngành. Nhưng để thực hiện được các vấn đề này phải dựa vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Các tự chủ về tổ chức nhân sự, trang thiết bị, nhân lực, tài chính cũng không bảo đảm để BV thực hiện vấn đề này. Bên cạnh đó, BV tự chủ phải thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của Bộ Y tế và thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao, đặt hàng. Nhưng khi BV tự chủ, không có cơ chế tài chính nào Nhà nước sẽ chi tiền để cho BV thực hiện các nhiệm vụ trên.

Về tổ chức nhân sự cũng có các bất cập. BV thành lập Hội đồng quản lý (HĐQL) để ra quyết định cho Ban GĐ thực hiện nhưng mối quan hệ giữa HĐQL và Ban GĐ BV, Đảng ủy BV cũng chưa được phân định rõ ràng. Vì vậy các quyết sách liên quan đến hoạt động bình thường của BV về nhân sự, đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, tiền lương, giá dịch vụ y tế chậm trễ hơn so với các BV khác.

Cùng đó, chưa xác định rõ ai là người đứng đầu BV. BV tự chủ thiết lập mô hình Ban kiểm soát, có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ các hoạt động của HĐQL và Ban GĐ BV nhưng người trong Ban kiểm soát này đều là người của BV do BV bổ nhiệm, chi trả lương nên không đảm bảo tính khách quan, minh bạch và cũng không bảo đảm về cơ chế kiểm soát các hoạt động. Về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, do quy định đầu tư mua sắm chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng nên vấn đề đầu tư mua sắm các thuốc, vật tư y tế, các vấn đề tài sản gặp rất nhiều khó khăn ở cả BV tự chủ toàn diện như Bạch Mai, BV K và các BV khác. Điều này dẫn đến tình trạng toàn tuyến y tế từ Trung ương đến cấp xã, phường thiếu thiết bị y tế 73%, thiếu thuốc 75%...

Ngoài ra là khó khăn khi thực hiện tự chủ, BV phải đóng thuế sử dụng đất; Khó khăn về tiền lương và giá dịch vụ y tế. BV có quỹ tiền lương để chi trả theo doanh thu nhưng không có cơ chế. Nếu BV không đạt doanh thu đó, khi có thiên tai, dịch bệnh không có tiền chi trả lương cho cán bộ công nhân viên. Như BV Bạch Mai báo cáo trong 2 năm 2020-2021 bị giảm nguồn thu 4.000 tỷ. BV không đủ tiền trả lương cho hơn 4.000 nhân viên y tế, phải trích từ quỹ sự nghiệp và quỹ dự phòng để chi trả. BV K cũng gặp tình trạng giảm doanh thu tương tự.

Ngoài ra là khó khăn về thực hiện giá dịch vụ y tế. Muốn tự chủ tài chính giá dịch vụ y yế phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Nhưng hiện nay Nhà nước chỉ cho phép áp dụng 4/7 yếu tố cấu thành giá.

"BV tự chủ được khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng giá BV quyết định theo khung giá do Bộ Y tế ban hành nhưng Bộ hơn 2 năm nay chưa ban hành. Vì vậy BV Bạch Mai và K trong 2 năm thí điểm tự chủ không sửa chữa cơ sở vật chất, xây mới, không mua sắm được trang thiết bị mới. Tại BV Bạch Mai, các máy đang bị niêm phong do liên quan các vụ án nên việc thiếu trang thiết bị ở 2 viện này là hiện hữu", nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế phân tích.

Nên mạnh dạn tạm dừng thí điểm BV tự chủ toàn diện

TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, chúng ta mong muốn có được một BV tự chủ toàn diện để phát huy chủ động, sáng tạo khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực của BV nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội của BV là bảo đảm quyền lợi cho người có BHYT, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu. Đây là 3 mục tiêu theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Tuy nhiên quá trình thí điểm thành công hay không thành công, cần có tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học và thực tiễn. Trường hợp không thành công, chúng ta mạnh dạn cho dừng thí điểm, để quay trở lại thực hiện mô hình đa số các BV công lập hiện nay đang thực hiện-đó là tự chủ chi thường xuyên.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, các hoạt động tự chủ hiện thiếu cơ chế pháp lý, nhưng kể có cả cơ chế đi chăng nữa thì những điều kiện cần và đủ cho BV tự chủ toàn diện (tổ chức bộ máy, tài chính… đều không có cơ chế pháp lý để đảm bảo). Vì vậy, Bộ Y tế nên đề nghị Chính phủ cho các BV này tạm dừng để các BV áp dụng tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60.

"Sau 2 năm tổ chức thí điểm, 3 mục tiêu ban đầu đặt ra đều không đạt. Chúng ta nên dừng thí điểm BV tự chủ toàn diện. Tuy nhiên dừng lại không có nghĩa là chấm dứt việc xác lập và xây dựng mô hình BV tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ toàn diện khi các điều kiện đã chín muồi trong đó có các thể chế pháp lý đầy đủ như đã nêu phía trên", TS. Nguyễn Huy Quang cho biết.

Phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ bệnh viện Bạch Mai

Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện

Cần có đánh giá độc lập, khoa học về việc thí điểm tự chủ bệnh viện

Phong Châu