Thận là cơ quan giải độc và trao đổi chất rất quan trọng trong cơ thể chúng ta. Chức năng chính của thận là lọc nước trong cơ thể, lọc các chất thải chuyển hóa và chất ô nhiễm, hình thành nước tiểu, thúc đẩy bài tiết trơn tru. Nếu cơ quan này gặp vấn đề có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe ngày càng đi xuống.
Do đó, mọi người thường quan tâm tới sức khỏe của thận. Tuy nhiên, không nên đánh giá sức khỏe chỉ dựa vào một số triệu chứng phổ biến thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Điều này thường thấy ở một nhóm người cho rằng, họ đi tiểu quá nhanh hoặc quá nhiều lần sau khi uống nước là triệu chứng thận yếu. Cách nghĩ này hoàn toàn không hợp lý.
Đi tiểu nhiều sau khi uống nước có liên quan đến sức khỏe của thận?
Thận có hai cấu trúc quan trọng. Cấu trúc đầu tiên là cầu thận và cấu trúc thứ hai là ống thận. Chức năng chính của cầu thận là lọc tạp chất, chẳng hạn như muối vô cơ, glucose, urê, v.v. Chức năng chính của ống thận là tái hấp thu các chất có ích trong cơ thể người, sau đó, đào thải các chất độc hại ra nước tiểu.
Sau khi uống nước, có người cảm thấy muốn đi tiểu chỉ trong vài phút, trong khi những người khác kéo dài từ 20 - 30 phút. Sự khác biệt này chủ yếu là do quá trình hình thành nước tiểu của bạn nhanh hay chậm, cũng như quá trình trao đổi chất có phức tạp hay không.
Với một người bình thường, khi nạp vào cơ thể đủ 2 lít nước mỗi ngày thì sẽ đi vệ sinh từ 5 đến 10 lần, không đi tiểu ban đêm. Điều này thường đúng với những ai không mắc các bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu, không mang thai, chế độ sinh hoạt đều đặn, không mất quá nhiều nước qua mồ hôi, chế độ dinh dưỡng cân đối và không sử dụng các chất kích thích. Thông thường, lượng nước tiểu thải ra sẽ tương ứng với lượng nước uống vào trong ngày.
Tại sao bạn muốn đi vệ sinh ngay sau khi uống nước?
1.Uống quá nhiều nước
Nói chung, lượng nước uống hàng ngày của người lớn nên được kiểm soát trong khoảng 1800ml đến 2000ml. Uống đủ nước sẽ thúc đẩy quá trình bài tiết và hình thành nước tiểu của thận, làm sạch ruột và niệu đạo, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nước là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu bạn uống quá nhiều nước và làm đầy bàng quang nhiều lần trong ngày, tần suất đi tiểu của bạn sẽ dần dần tăng lên. Nếu bạn buồn tiểu vì thừa nước thì đây là hiện tượng sinh lý bình thường và không có lý do gì phải quá lo lắng.
2. Dung tích bàng quang nhỏ
Sau khi thận thực hiện chức năng, nước tiểu được dự trữ trong bàng quang. Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu thì sẽ kích thích thần kinh sọ não, thần kinh trung ương gửi tín hiệu, cho biết đây là thời điểm đi vệ sinh.
Khi bàng quang được dung nạp khoảng từ 250 - 350ml nước tiểu sẽ kích thích cơ thể gây nên cảm giác muốn đi tiểu. Tuy nhiên, ở một số người có dung tích bàng quang tương đối nhỏ, nhanh đầy thì tần suất đi tiểu sẽ cao hơn.
3. Mắc các bệnh liên quan đến hệ tiết niệu
Hệ tiết niệu là cơ quan sản xuất và đào thải nước tiểu. Do đó, nếu gặp vấn đề bất thường, quá trình tiểu tiện sẽ bị rối loạn, khiến cơ thể liên tục muốn bài trừ nước tiểu.
Các vấn đề thường gặp có thể kể đến là: nhiễm khuẩn hoặc có dị vật, sỏi ở đường tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang kẽ, hội chứng bàng quang kích thích, ung thư bàng quang, suy tuyến thượng thận, hội chứng thận hư, hoặc bị hẹp niệu đạo.
4. Do các bệnh về tiền liệt tuyến
Tiền liệt tuyến là bộ phận của nam giới, góp phần co bóp đồng thời kiểm soát nước tiểu, không để nước tiểu và tinh dịch ra ngoài cùng một lúc. Khi tiền liệt tuyến gặp vấn đề bất thường có thể gây ra kích ứng bàng quang, dẫn đến đi tiểu nhiều lần. Đàn ông nên cẩn trọng nguy cơ bị viêm hoặc u xơ tuyến tiền liệt khi mắc chứng đi tiểu liên tục.
5. Uống nước quá nhanh
Đối với một số người uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ sinh ra hiện tượng đi vệ sinh liên tục. Vì thận chủ yếu kiểm soát việc đi tiểu bằng cách tổng hợp và giải phóng urê giúp lợi tiểu. Nếu bạn uống quá nhiều nước nhưng lại làm loãng nước tiểu, có thể khiến cơ thể đào thải nhiều nước hơn, điều này thường làm tăng tình trạng đi tiểu.
Để giảm bớt tình trạng này, nên uống nhiều nước nhưng chia làm nhiều lần. Thói quen này cũng có lợi cho sức khỏe hơn, giúp thận không chịu quá nhiều áp lực lọc và đào thải nước.
6. Vấn đề từ yếu tố tâm lý, thần kinh
Hiện tượng đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu rắt cũng có thể hình thành do yếu tố tâm lý. Chẳng hạn như stress quá độ cũng có thể là nguyên nhân mà ít người để ý. Tình trạng lo lắng, mệt mỏi thường xuyên có thể gây ra bệnh trầm cảm, mất ngủ khiến đi tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm.
Nếu cơ thể thường xuyên ở trong môi trường có áp lực cao có thể dẫn đến việc bàng quang bị căng, thận sẽ đào thải nước tiểu ra ngoài làm tăng số lần đi tiểu. Ví dụ, trước khi bước vào một sự kiện trọng đại, mọi người thường mắc tiểu vì áp lực tâm lý.
Ngoài ra, hệ thần kinh bị tổn thương hoặc đang mắc các bệnh lý như tai biến mạch máu não, chấn thương tủy sống,... cũng có thể khiến cho quá trình kiểm soát tại bàng quang gặp sự cố, khiến cơ thể liên tục kích thích, tạo cảm giác buồn tiểu và phải đi tiểu nhiều lần.
Như vậy, tùy thuộc vào tình trạng cơ thể, việc đi tiểu nhiều có thể là tín hiệu bình thường, cũng có thể cảnh báo một số căn bệnh tiềm ăn trong cơ thể. Mọi người cần lưu ý để đi khám, chữa bệnh kịp thời.
*Theo Apollo News Network
Theo
Phương Thuý/Tổ Quốc
Link bài gốc
Copy link
http://ttvn.toquoc.vn/di-tieu-nhieu-sau-khi-uong-nuoc-la-than-yeu-hay-tot-7-dieu-sau-day-chinh-la-cau-tra-loi-ma-moi-nguoi-can-biet-4202238204558208.htm