Trang Chủ > Sức khỏe > Dịp lễ đi du lịch lưu ý gì cho sức khỏe?

Dịp lễ đi du lịch lưu ý gì cho sức khỏe?

Tuổi Trẻ
02/09/2022 08:20:39

TTO - Với nhiều gia đình, dịp nghỉ lễ cũng là cơ hội để cả nhà tổ chức một chuyến đi chơi. Tuy nhiên khi thay đổi không gian sinh hoạt và phải di chuyển những chặng đường dài, việc chăm lo cho sức khỏe của các thành viên là điều rất cần chú ý.

  • Đề phòng đau ốm khi trẻ đi du lịch
  • Lưu ý khi thai phụ đi du lịch
  • Giữ gìn sức khoẻ khi đi du lịch

Dịp lễ đi du lịch lưu ý gì cho sức khỏe?-1

Dịp nghỉ lễ nhiều gia đình có kế hoạch đi chơi xa, du lịch - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Vào dịp nghỉ lễ, nhiều gia đình đi du lịch với quãng đường di chuyển xa, phải thay đổi môi trường sống và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Làm sao để chăm sóc sức khỏe trong những ngày xa nhà, đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính và trẻ nhỏ?

Cẩn trọng với đồ ăn "độc, lạ" khi đi du lịch ra sao?

Chú ý mang thuốc dự phòng, tránh nắng nóng

BS Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết người mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường có nguy cơ gặp các biến chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim rất cao.

"Do vậy, trước khi đi du lịch xa, dài ngày hoặc đi bằng xe máy, bệnh nhân nên đi khám định kỳ để bác sĩ tham vấn sức khỏe. Ngoài ra, một điều rất quan trọng khi đi du lịch xa, bệnh nhân cần phải mang theo thuốc điều trị đang dùng để kiểm soát bệnh, ngừa biến chứng nặng lên, hay khi xảy ra biến chứng (ví dụ huyết áp đột ngột tăng cao trong lúc đi du lịch có thể làm đột quỵ).

Người bệnh cũng cần chú ý chuẩn bị lượng thuốc mang theo nhiều hơn số ngày dự kiến đi du lịch, cầm theo các toa thuốc dự phòng để ứng phó với tình huống phát sinh", BS Hiếu khuyến cáo.

BS Hiếu cũng hướng dẫn khi người dân đi du lịch di chuyển bằng xe máy, ô tô đường dài nên chuẩn bị nước và vài món ăn nhẹ để dùng dọc đường như trái cây, nước suối, nước điện giải hoặc nước dừa.

BS Hiếu lý giải: "Khi di chuyển bằng xe máy, hơi nóng, nắng và gió bốc hơi từ dưới lòng đường dễ khiến người điều khiển phương tiện hoa mắt, chóng mặt, thậm chí say nóng, say nắng.

Bởi vậy, khi di chuyển bằng phương tiện này cần che nắng kỹ, mặc đồ thoáng mát, bố trí thời gian nghỉ ngơi dọc đường. Khi nhiệt độ ngoài trời trên 38OC, cần phải đảm bảo 30 phút uống nước 1 lần, có thể uống dần từng ngụm nhỏ, từ 200 - 250ml/lần.

Ngoài ra, trong quá trình di chuyển cần bổ sung những món ăn cân bằng dinh dưỡng. Có thể ăn một số loại đạm dễ tiêu hóa như trứng, thịt gà, trái cây.

Không nên ăn đồ chiên rán vì sẽ gây khó tiêu, nặng bụng. Bên cạnh đó, không lạm dụng trà, cà phê, các loại nước ngọt và nước tăng lực".

BS Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia - khuyến cáo nên uống đủ nước theo nhu cầu của cơ thể, không phải uống càng nhiều càng tốt.

Cụ thể, người trưởng thành nên uống 40ml nước/1kg cân nặng/ngày, như vậy người khoảng 40kg thì cần uống 1,6 lít là đủ; người 50kg thì sẽ uống 2 lít; người 60kg thì sẽ uống 2,4 lít.

Còn với người cao tuổi lượng nước uống sẽ ít đi, có thể chỉ ở khoảng 30 - 35ml/1kg cân nặng bởi khi cao tuổi, các chức năng tim, gan, chuyển hóa nước cũng giảm đi.

Cẩn trọng với thức ăn "độc, lạ"

Du lịch cũng là cơ hội để nhiều gia đình có thể thưởng thức những món ăn vùng miền mới lạ. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt với những người có bệnh lý nền cần cẩn trọng hơn.

BS Hiếu nhấn mạnh: "Khi đi xa cần tránh những thức ăn trước đó bản thân bị dị ứng vì khi bị sẽ khó cấp cứu kịp ở nơi xa lạ. Tránh một số thức ăn lạ, đặc sản vùng miền có nguy cơ gây dị ứng hoặc dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy như: hải sản lạ (nhất là loại có vỏ kitin, hay có độc tố: cá nóc), côn trùng (đuông dừa, cào cào, châu chấu), món tái (gỏi cá, tái)...

Theo BS Hưng, nắng nóng là cơ hội để cho các vi khuẩn xâm nhập, làm hỏng thực phẩm nhanh, vì thế khi đi dã ngoại hay ăn uống tại gia đình trong dịp nghỉ lễ nên cố gắng ăn càng sớm càng tốt các thực phẩm vừa chế biến.

"Những người bệnh mãn tính cao tuổi, trẻ nhỏ cần ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, uống đủ nước. Nên hạn chế những món ăn sống, tái hay các đồ ăn lạ, tránh lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.

Dù là kỳ nghỉ nhưng do mắc bệnh mãn tính nên vẫn cần lưu ý nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng, lạnh. Bên cạnh đó, hạn chế các hoạt động gắng sức.

Không nên thức khuya, cố gắng phân bổ thời gian như thường ngày để không làm phá vỡ thói quen sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là trẻ nhỏ", BS Hưng cho hay.

Chuẩn bị trước thức ăn khô mang theo cho trẻ

BS Hiếu khuyến cáo đối với trẻ em cần chú ý mang theo sữa loại trẻ hay dùng, bánh quy, ngũ cốc ăn giặm, cháo tươi, đồ hộp... Với trẻ nhỏ còn đang sử dụng sữa bình hay ăn giặm, phụ huynh có thể chuẩn bị sẵn một bình sữa pha giữ ấm hoặc một cốc ủ cháo ăn giặm để dùng được luôn trong quá trình di chuyển.

Dịp lễ đi du lịch lưu ý gì cho sức khỏe?-2

Những bí quyết giữ gìn làn da khi đi du lịch

TTO - Làm sao để giữ được làn da khỏe đẹp trong các chuyến du lịch? Sau đây là những bí quyết được BS Trần Nguyên Ánh Tú - phó trưởng khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - chia sẻ.

THU HIẾN - DƯƠNG LIỄU