Trang Chủ > Sức khỏe > Công thức ước tính chiều cao khi trưởng thành của trẻ

Công thức ước tính chiều cao khi trưởng thành của trẻ

Zingnews
11/07/2022 07:49:54

Theo TS Ngô Thị Phượng, khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, con trẻ sẽ được thừa hưởng gene quy định chiều cao từ cha mẹ. Bạn có thể dựa vào chiều cao của cha mẹ để ước tính chiều khi trưởng thành của con như sau:

- Chiều cao con gái = (chiều cao của bố - 13 cm + chiều cao của mẹ) / 2

- Chiều cao con trai = (chiều cao của người mẹ + 13 cm + chiều cao của bố) / 2.

Tuy nhiên, chiều cao còn phụ thuộc vào các yếu tố khác bao gồm dinh dưỡng, luyện tập và hormone.

Chế độ dinh dưỡng

TS Phượng cho biết trẻ được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và vi chất cần thiết cho quá trình phát triển chiều cao thì có thể hỗ trợ tối đa khả năng phát triển của hệ cơ xương cho trẻ. Các chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển chiều cao bao gồm protein (đặc biệt là Lysin), canxi, kẽm, vitamin D, vitamin K2.

Công thức ước tính chiều cao khi trưởng thành của trẻ-1

Con trẻ sẽ được thừa hưởng gene quy định chiều cao từ cha mẹ. Ảnh: Ohpama.

Ánh nắng mặt trời rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và sự vững chắc của bộ xương do chúng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không bổ sung quá liều các thành phần dinh dưỡng kể trên để tránh tác dụng phụ có hại.

Luyện tập thể thao

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết hiện rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể thao sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao. Bởi sụn tiếp hợp ở đầu xương được kích thích, từ đó giúp tăng trưởng mạnh.

Các môn thể thao tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ là chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, xà đơn, bóng đá, bóng rổ… Bên cạnh đó, trẻ nên tránh các môn thể thao nặng như tập tạ vì sẽ làm cốt hóa sớm đầu sụn (mô liên kết non sẽ thay thế sụn trên các đầu xương, lớp sụn cũ sẽ chuyển đổi thành xương), hạn chế chiều cao của trẻ.

Hormone

"Khi hệ nội tiết hoạt động tốt, tiết ra đầy đủ các hormone sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao bình thường. Hai loại hormone ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển chiều cao của trẻ là hormone tuyến giáp và tăng trưởng (GH)", bác sĩ Thùy Linh nói.

Việc đánh giá các hormone này có thể thực hiện thông qua xét nghiệm máu, đặc biệt hormone GH thường được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm khoảng 23h-1h. Vì vậy, việc cho trẻ đi ngủ sớm trước 22h và ngủ liền mạch suốt đêm là rất cần thiết để hormone có thể tiết ra được đầy đủ nhất.

Khi nào cần cho trẻ kiểm tra tầm soát chậm tăng trưởng?

Theo các chuyên gia, sự phát triểm của trẻ diễn ra theo từng giai đoạn. Bình thường, trẻ mới sinh cao 48-52 cm, khi được một tuổi bé sẽ tăng thêm khoảng 20-25 cm. Khi 2 tuổi, trẻ tăng thêm khoảng 12 cm và khoảng 10 cm ở 3 tuổi. Khi 4 tuổi, trẻ cũng tăng thêm khoảng 7 cm. Từ 4 tuổi trở đi, mỗi năm trẻ tăng khoảng 4-6 cm chiều cao. Nếu theo dõi chiều cao của con không đạt được như mức bình thường này, cha mẹ nên cho con khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.

Công thức ước tính chiều cao khi trưởng thành của trẻ-2

Hai loại hormone ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển chiều cao của trẻ là hormone tuyến giáp và tăng trưởng (GH). Ảnh: Healthwaymedical.

Đối với những trẻ thấp lùn do thiếu hormone, việc bổ sung hormone sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chiều cao của bé. Việc điều trị hormone tốt nhất nên tiến hành ở giai đoạn 4-11 tuổi. Sau 11 tuổi, kết quả điều trị kém hơn hoặc không có kết quả do các đầu xương đã cốt hóa. Việc điều trị bằng hormone để tăng chiều cao phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết để tránh hậu quả có hại cho trẻ.

Những bệnh nhân bị thiếu hormone tăng trưởng không được điều trị bổ sung hormone GH thường có chiều cao cuối cùng (chiều cao khi trưởng thành) là:

- Nam: 134-146 cm

- Nữ: 128-134 cm

Khi điều trị bổ sung hormone tăng trưởng GH, chiều cao cuối cùng đã cải thiện với con số trung bình ghi nhận được:

- Nam: tăng 8,7-10,7 cm

- Nữ: 7,7- 9,5 cm

Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng lại không từ nguyên nhân thiếu hormone tăng trưởng GH, việc sử dụng hGH có thể không mang lại hiệu quả.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị với hormone tăng trưởng nhân tạo nhưng xác suất gặp phải tương đối thấp. Tuy nhiên, việc điều trị nên được kiểm tra chặt chẽ ít nhất mỗi tháng. Một thông số quan trọng là nồng độ IGF-1 trong máu cần nằm trong khoảng cho phép. Nếu điều trị không cho thấy hiệu quả đầy đủ sau một năm, có thể xem xét việc ngừng sử dụng.

Biến chứng nguy hiểm với trẻ nhỏ mắc cúm mùa

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người mắc bệnh lý nền, đặc biệt là trẻ em.