Bài viết dưới đây trích ý kiến của Bác sĩ Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản về kinh nghiệm và kết quả thực tiễn của Nhật Bản sau 8 năm cho phép thuốc lá làm nóng (TLLN) có mặt trên thị trường từ năm 2014.
Bác sĩ Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản.
Nhật Bản quy định TLLN là thuốc lá
Ông Hiroya Kumamaru cho biết, Nhật Bản áp dụng cách tiếp cận kết hợp từ nhiều nguồn tham khảo đối với việc quản lý các sản phẩm thay thế không khói thuốc.
Thuốc lá
điện tử (TLĐT) có chứa nicotine được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (gọi tắt là Bộ Y tế) quản lý và được xem như một dược phẩm. TLLN được xem là một sản phẩm thuốc lá vì có các thành phần làm từ lá thuốc lá, được chính thức đưa vào quản lý dưới Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá 1984, và bán hợp pháp ở Nhật Bản, quản lý bởi Bộ Tài chính. Đồng thời, khuôn khổ quy định của TLLN ngày càng khác biệt xa với khuôn khổ quản lý thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về thuế, cách dán nhãn cảnh báo sức khỏe và quy định hạn chế sử dụng.
Theo ông Hiroya Kumamaru, trước khi TLLN phổ biến trên toàn quốc, thì tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy ở Nhật Bản là 18,3% (nam 30,2%, nữ 8,2%), theo khảo sát năm 2016 của Bộ Y tế Nhật Bản.
Nhưng kể từ khi TLLN được đưa vào thị trường Nhật Bản vào năm 2014 (bắt đầu từ 1 tỉnh), doanh số bán thuốc lá điếu đốt cháy đã giảm gần 34% trong vòng 4 năm kể từ năm 2015. Tốc độ giảm doanh số bán thuốc lá điếu đốt cháy ở Nhật Bản tăng gấp 5 lần - từ 2% hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 lên mức giảm 10% hàng năm trong giai đoạn 2015-2018. Theo báo cáo mới nhất của ngành, kể từ năm 2015, lượng thuốc lá tiêu thụ đã giảm 44% trong 5 năm.
Số lượng thuốc lá điếu Nhật Bản sụt giảm tương ứng với thời điểm TLLN được giới thiệu vào thị trường.
Quản lý TLLN là đóng góp quan trọng cho chính sách kiểm soát thuốc lá quốc gia
Ông Hiroya Kumamaru cho biết, trước, trong và sau khi hợp pháp hóa TLLN, thì Bộ Y tế và các tổ chức y tế công cộng khác đã triển khai nhiều nghiên cứu để đo lường tác động của các sản phẩm này trong việc giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người sử dụng.
Theo đó, Viện Y tế Công cộng Quốc gia (NIPH) đã tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng "Hàm lượng nicotine trong đầu lọc thuốc lá và khí hơi (aerosol) từ TLLN gần giống như hàm lượng nicotine trong thuốc lá điếu đốt cháy nhưng hàm lượng nitrosamine (tác nhân gây ung thư) và hàm lượng CO chỉ lần lượt bằng 1/5 và 1/100”.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cùng Trung tâm Ung thư Quốc gia (NCC) Nhật Bản cũng tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng “mức phơi nhiễm với khí hơi (aerosol) từ TLLN trong một phòng kín hút thuốc ở điều kiện thông thường thì được đánh giá là có thể chấp nhận được, vì nguy cơ ung thư trọn đời của TLLN được kỳ vọng là dưới là 1/100.000 (mức độ an toàn). Mức này thấp hơn ba bậc so với thuốc lá thuốc lá điếu đốt cháy thông thường trong cùng điều kiện. Chính vì vậy, TLLN được cho phép sử dụng trong các nhà hàng, quán ăn có khu vực dành riêng cho người dùng sản phẩm này.
Ông Hiroya Kumamaru cho rằng, các dữ liệu nghiên cứu nói trên cho thấy quyết định hợp pháp hóa sản phẩm TLLN là đúng đắn. Bên cạnh góc độ sức khoẻ mà theo ông là rất đáng khích lệ, ông nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là từ góc độ quản lý, các sản phẩm này không tạo ra hiệu ứng bắc cầu. Dữ liệu nghiên cứu từ chính Bộ Y tế Nhật Bản ủy quyền cho thấy mức độ sử dụng TLLN của thanh thiếu niên khá thấp, cả về giá trị tuyệt đối và tương đối so với TLĐT và thuốc lá điếu đốt cháy.
Với người dùng trưởng thành, ông Hiroya Kumamaru dẫn kết quả cuộc khảo sát gần nhất từ năm 2019 của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, cứ 4 người hút thuốc thì có 1 người sử dụng TLLN; 70% người dùng TLLN chỉ sử dụng duy nhất sản phẩm này và đã cai thuốc lá hoàn toàn.
Từ quan điểm của một chuyên gia chăm sóc sức khỏe khi đánh giá khó khăn và lợi ích thu được khi đưa TLLN vào quản lý dưới Luật, ông cho rằng hầu như không có khó khăn. Ngược lại việc đưa TLLN vào quản lý đã đóng góp quan trọng vào chính sách kiểm soát thuốc lá của Nhật Bản, lợi ích thu được chính là giảm đáng kể lượng tiêu thụ thuốc lá điếu đốt cháy đến 44% chỉ trong 5 năm.
Khi được hỏi về kinh nghiệm cho thị trường Việt Nam trong việc quản lý TLLN nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của những đối tượng ngoài ý muốn, bao gồm cả thanh thiếu niên và những người không hút thuốc, người đã cai thuốc lá, ông cho rằng, chỉ cần có khuôn khổ pháp luật quy định rõ ràng và phù hợp thì có thể kiểm soát việc sử dụng ngoài ý muốn. Ông đưa ví dụ, “Ở Nhật Bản, các nhà bán lẻ thuốc lá có trách nhiệm không bán sản phẩm cho trẻ vị thành niên. Họ cần kiểm tra ID để xác minh độ tuổi. Nếu các nhà bán lẻ vi phạm, họ sẽ bị phạt. Quy định rõ như vậy cũng có thể hữu ích cho Việt Nam”, ông Hiroya Kumamaru chia sẻ.